Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giao dịch điện tử

Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Bộ Công an cho biết, hiện nay, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến để thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang được Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, tính bảo mật an toàn thông tin luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử, trong đó bao gồm dịch vụ công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp và các giao dịch khác trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu. Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay cũng chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Mặt khác, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam đang diễn ra hết sức phức tạp; ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của xã hội, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nói riêng là rất cấp thiết; Chính phủ đã chỉ đạo đưa đất nước vào trạng thái “bình thường mới”, trong “điều kiện bình thường mới”, Bộ Công an với vai trò là cơ quan quản lý dân cư nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. 

Cùng với đó, từ ngày 1/7/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức được đưa vào sử dụng, các cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác cũng đang đồng loạt triển khai xây dựng, đây là cơ sở quan trọng để làm nền tảng cho việc định danh và xác thực điện tử.

Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện ngay cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử với mô hình tập trung, thống nhất; chỉ cung cấp một định danh gốc, danh tính điện tử duy nhất đối với cá nhân và thực hiện hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử góp phần bảo đảm thực hiện việc định danh, xác thực điện tử ứng dụng trong các phần mềm, dịch vụ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, góp phần ngăn chặn dịch bệnh và ổn định xã hội phục vụ mục tiêu kép của Chính phủ; quản lý giao dịch điện tử trên môi trường mạng.

leftcenterrightdel
 Công an quận Ba Đình, TP Hà Nội tổ chức ra quân cấp Căn cước công dân gắn chíp lưu động cho người dân tại địa bàn. (Ảnh minh hoạ)

Tăng cường hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; hạn chế việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp (giảm chi phí, thời gian thực hiện; đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng chống dịch bệnh…); giảm giấy tờ, tài liệu, thông tin cần khai báo khi thực hiện thủ tục hành chính.

Tiết kiệm chi phí, thời gian trong xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp.

Do đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử là hết sức cần thiết. Nghị định được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc đăng nhập hệ thống và tham gia dịch vụ công trực tuyến, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giao dịch điện tử.

Cụ thể về các hành vi bị cấm

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 46 Điều, quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử; dịch vụ định danh và xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến định danh và xác thực điện tử.

Mục tiêu xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các yêu cầu, giao dịch trên môi trường điện tử

Phục vụ công tác quản lý nhà nước, công tác cải cách thủ tục hành chính, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Về nguyên tắc, việc định danh và xác thực điện tử phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; bảo đảm tính chính xác trong định danh và xác thực điện tử; công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho công dân; đảm bảo an ninh, an toàn thiết bị, bảo mật dữ liệu khi thực hiện định danh và xác thực điện tử.

Cá nhân, tổ chức được khai thác và sử dụng danh tính điện tử phải tuân thủ quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử của cá nhân.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về các hành vi bị cấm đó là: Cản trở thực hiện các quy định của Nghị định này; làm lộ lọt bí mật thông tin khi thực hiện các hoạt động về định danh và xác thực điện tử.

Sách nhiễu, gây phiền hà khi thực hiện việc định danh và xác thực điện tử.

Tự ý sao chép giao diện, hình ảnh của ứng dụng VNEID, trang thông tin điện tử của hệ thống định danh điện tử nhằm đánh lừa người dùng và cơ quan chức năng.

Tự ý thu thập, sao chép thông tin tài khoản định danh điện tử khi không được sự đồng ý của chủ thể danh tính điện tử và cơ quan quản lý hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia.

Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin định danh điện tử của cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, nghiêm cấm hành vi lợi dụng, sử dụng thông tin của cá nhân, tổ chức khác không phải chủ sở hữu hoặc cá nhân, tổ chức được ủy quyền để đăng ký, tạo lập, định danh và xác thực điện tử để thực hiện các hành vi trái quy định của pháp luật.

P.V