Từ xưa, người dân Nông Cống đã rất quen với câu nói “sống ngâm da, chết ngâm xương”, ý nói đến một vùng đất trũng, nước đọng, hễ mưa là lụt lội. Vậy nhưng, thực tế nước sinh hoạt của nhiều xã tại địa phương này khan hiếm, đáng lo ngại hơn là nguồn nước ngầm không đảm bảo an toàn, do nhiễm phèn, nhiễm chua nên có nơi màu vàng, nơi thì màu đen; có vị mặn, chát. Chính vì vậy người dân chỉ dám sử dụng nguồn nước này để rửa ráy, giặt rũ, chăn nuôi; còn ăn uống thì phải dùng nước mưa hoặc mua nước bình đóng sẵn. Hàng chục năm qua, người dân thuộc 14 xã này với khoảng 70.000 nhân khẩu chưa được tiếp cận với nước sạch. 

Nguồn nước ngầm khan hiếm nên có những gia đình khoan giếng đến 7-8 lần với chi phí cả chục triệu đồng nhưng vẫn không có nước, nhiều gia đình không đủ kiên nhẫn để khoan đi khoan lại. Oái oăm hơn, có những nơi khoan được giếng nhưng đến mùa khô hạn nước cũng cạn kiệt, không đủ dùng.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Nga, trú tại thôn Vĩnh Quang, xã Tượng Lĩnh phải xây thêm bể chứa nước mưa để dùng.

Chia sẻ về tình trạng nhức nhối này, ông Mai Duy Thám trú tại thôn Nga Long, xã Tượng Lĩnh cho biết: "Nước nhà tôi rất đục, mùi tanh nồng, không biết là nhiễm chất gì nhưng chỉ dùng cho việc giặt giũ và chăn nuôi. Nhà tôi khoan giếng cũng khó khăn lắm, khoan mấy lần mới có nước. Giếng sâu mà vẫn bị cạn kiệt vào mùa khô, nên tôi phải xây thêm bể chứa nước mưa". 

“Ở đây, hầu như gia đình nào cũng phải xây bể từ 20 - 40m3 để chứa nước mưa phục vụ ăn, uống. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền sớm đưa nhà máy cấp nước đi vào hoạt động, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu gì.”, ông Thám nói.

Tương tự, nhà bà Nguyễn Thị Nga, trú tại thôn Vĩnh Quang (xã Tượng Lĩnh) chia sẻ: "Nhà tôi có giếng khoan nhưng không dùng để ăn uống được do nước bẩn và có phèn, thậm chí còn có chất nhớt, dính. Nước bơm lên tôi phải lọc 2 lần nhưng cũng chỉ dùng để rửa ráy, tắm giặt. Gia đình tôi cũng phải xây thêm bể nước mưa để phục vụ nhu cầu ăn uống. Dân ở đây ai cũng mong mỏi địa phương sẽ sớm có dự án nước sạch để đỡ phải sống trong cảnh thiếu thốn và đợi chờ như hiện nay".

Ngay bên cạnh xã Tượng Lĩnh là Tượng Văn cũng trong tình cảnh tương tự, ông Phạm Hữu Huynh, trưởng thôn Quỳnh Tiến, (xã Tượng Văn) thông tin: Thôn có 192 hộ với 817 nhân khẩu. Hiện tại, 100% hộ dân trong thôn không có nước sạch sinh hoạt. Nhiều năm nay, để phục vụ nhu cầu thiết yếu, các hộ dân đều phải mua nước với giá bán dao động từ 70.000 – 80.000 đồng/m3 . Nhiều nhà do hoàn cảnh khó khăn đã buộc phải sử dụng nước không đảm bảo như nước sông, nước hồ…

Không chỉ Tượng Văn, Tượng Lĩnh, còn có nhiều xã với hàng chục nghìn dân của huyện Nông Cống cũng trong tình trạng “khát” nước sạch. Và việc thiếu nước sạch không chỉ diễn ra ở các hộ dân mà ngay công sở, trạm y tế, trường học đóng trên địa bàn của các xã này cũng gặp phải những khó khăn trong việc tìm kiếm nước sạch. 

leftcenterrightdel
 Nước nhiễm phèn, chua, có màu lục vàng nên người dân không thể sử dụng để ăn uống. 

Được biết, huyện Nông Cống hiện có 3 nhà máy nước sạch đang hoạt động cung cấp nước cho 16 xã, thị trấn với 9.230 hộ/49.438 hộ dân có hợp đồng với các nhà máy nước sạch tập trung. Riêng 14 xã còn lại phía Tây Nam hiện vẫn thiếu nước sạch.

Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư dự án nhà máy nước sạch cho 14 xã của huyện. Dự án do Công ty CP Đầu tư phát triển - Xây dựng môi trường đô thị Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 400 tỉ đồng, quy mô 1,2ha, công suất thiết kế 15.000m3 nước/ngày, đêm. 

Theo kế hoạch, nhà máy hoàn thành và cấp nước cho người dân vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai và nhiều lần điều chỉnh, gia hạn; đến nay dự án vẫn nằm im, hiện mới chỉ xây dựng xong tường rào bao quanh, và một số hạng mục khác.

Ông Lê Anh Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Văn, cho biết: Xã có 8 thôn, nhưng chỉ có 2 thôn người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, các hộ còn lại phải dùng bể chứa nước mưa. Nhiều hộ còn phải đi mua nước với giá khá cao. Theo lộ trình, năm 2018 xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao. Song, do chưa đạt về tiêu chí nước sạch sinh hoạt tập trung, nên đến nay địa phương vẫn chưa thể về đích. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân xã Tượng Văn rất mong muốn nhà máy nước sạch được xây dựng nhanh để bà con có nước sạch để dùng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: Về dự án nhà máy nước sạch Thăng Thọ, UBND huyện Nông Cống cũng đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư dự án, yêu cầu công ty phải thực hiện đúng cam kết. Dự án triển khai chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân, bức xúc trong dư luận cũng như ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện. Mong mỏi của hàng chục nghìn hộ dân các xã phía Tây Nam sớm có nước sạch sinh hoạt cũng là băn khoăn, trăn trở lớn của huyện. Vừa qua, lãnh đạo huyện đã có ý kiến với ngành chức năng báo cáo UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo quyết liệt đối với đơn vị nhà thầu thi công sớm giải quyết nhu cầu cấp bách về nước sạch của người dân.

Như vậy, sau nhiều lần cam kết và hứa hẹn từ phía công ty nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện. Hàng vạn hộ dân còn phải sống trong tình trạng “mỏi mỏn chờ nước sạch” đến bao giờ? Điều này trông chờ vào sự quyết liệt của chính quyền và chủ đầu tư.

Bảo Châu