Năm 2008, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND triển khai đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.
Mục tiêu của đề án đến năm 2020 là đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước, không khí, tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách. Tất cả người dân thành phố, các tổ chức cá, nhân trong, ngoài nước đến làm ăn, sinh sống tại Đà Nẵng đều có ý thức về bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố môi trường. Cùng với đó, ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, có đủ năng lực xử lý và khắc phục các sự cố môi trường…
Sau 10 năm triển khai, Đà Nẵng đã đạt được 7/10 tiêu chí, nhất là các chỉ số ô nhiễm không khí, bình quân diện tích không gian xanh đô thị trên đầu người, tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, tỉ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý, tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành, …
Thành phố đã hoàn thành cơ bản các công trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung (Phú Lộc, Sơn Trà, Hòa Xuân, Ngũ Hành Sơn, Khánh Sơn…), tổng công suất 300.500 m3/ngày đêm.
Đà Nẵng cũng đã huy động nguồn lực rất lớn để xử lý triệt để 13/15 điểm nóng về môi trường đến nay được xử lý triệt để, 2 điểm nóng phức tạp được kiềm chế.
|
|
Đà Nẵng hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố môi trường. |
Bên cạnh đó, thành phố chú trọng đến khâu hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống rủi ro thiên tai.
Nhiều mô hình, cách làm hay để bảo vệ môi trường đã được triển khai hữu hiệu tại cộng đồng như: Phong trào Ngày chủ nhật xanh, khu dân cư không rác, câu lạc bộ thu gom rác bãi biển…
Những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã được các bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao và vinh danh, tặng nhiều danh hiệu như: Năm 2011, ASEAN vinh danh Đà Nẵng là một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của khu vực. Năm 2012, vinh danh “Đà Nẵng là đô thị có không khí sạch và có hàm lượng cacbon phát thải thấp”.
Đà Nẵng được công nhận là “Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi” năm 2015. Năm 2018, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) bình chọn là “Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam”…
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả được thì việc xử lý các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường của Đà Nẵng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc cho người dân.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện vấn đề môi trường của thành phố vẫn tồn tại rất nhiều hạn chế cần khắc phục, nhất là quản lý, xử lý chất thải rắn (rác thải bừa bãi, thiếu trang thiết bị và hạ tầng kỹ thuật,công nghệ phục vụ xử lý rác) dẫn đến tình trạng ô nhiễm.
|
|
Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường |
Mỗi ngày TP Đà Nẵng phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự kiến từ năm 2020 - 2025, phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày; 2025 - 2030 phát sinh hơn 2.400 tấn/ngày, 2030 - 2040 phát sinh hơn 3.000 tấn/ngày trong khi đó các thủ tục đầu tư về các công trình xử lý rác còn nhiều vướng mắc…
Các trạm xử lý nước thải đô thị cũ, công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, xuống cấp nên tỉ lệ thu gom đạt khoảng 60%, tỉ lệ nước thải xử lý đạt 42%. Hệ thống xử lý nước thải quá tải, hệ thống thoát nước mưa chung với thoát nước thải dẫn đến tình trạng mỗi lần trời mưa nước thải ào ạt đổ ra biển cũng là vấn đề gây bức xúc trong dư luận hiện nay.
Việc quy hoạch phát triển đô thị chưa theo kịp với thực tế dẫn đến khả năng đáp ứng về hạ tầng đôi khi chưa đảm bảo. Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã làm tổn hại không hề nhỏ đối với cảnh quan tự nhiên…
Đánh giá về việc triển khai, thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, nhìn lại bối cảnh hơn 10 năm trước, sự ra đời Đề án của UBND TP là một sự mạnh dạn, sáng tạo và thể hiện sự quyết tâm về bảo vệ môi trường của thành phố. Trong quá trình phát triển của thành phố trong thời gian qua, không thể không nhắc đến vị trí quan trọng của đề án này, đã thể hiện 1 trong 3 trụ cột phát triển bền vững, góp phần để thành phố luôn xây dựng, phấn đấu, hoàn thiện trong quá trình phát triển đô thị.
“Việc tổ chức, triển khai đề án sau 10 năm, chúng ta đã đạt những kết quả được Trung ương, tổ chức quốc tế, cộng đồng ghi nhân, đánh giá cao. Nhưng thành phố cũng nhìn nhận kết quả này thực sự chưa đạt mục tiêu mà thành phố, nhân dân mong đợi.” - ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, những điểm nóng về môi trường, vấn đề cung cấp nước sạch, ý thức của doanh nghiệp trong xả thải, ô nhiễm biển, xử lý rác thải, năng lực điều hành của chính quyền còn nhiều bất cập..
|
|
Sau mưa lớn, nước thải từ cửa xả chảy ra biển Đà Nẵng. |
Công tác quy hoạch, kế hoạch và dự báo chưa đạt được tầm nhìn dài hạn, biện pháp quản lý kém và không có hiệu quả. Cường độ xả thải gia tăng thì càng bộc lộ điểm yếu. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải được đầu tư 5-7 năm về trước được đầu tư với một dự báo ngắn hạn, bây giờ đã quá tải. Các nhà máy xử lý nước thải phải liên tục nâng cấp, không còn không gian để mở rộng công suất như nhà máy nước thải Phú Lộc.
Trong thời gian tới, thành phố tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung cần chú trọng quy hoạch cấu trúc hạ tầng liên quan đến vấn đề môi trường, đạt được tầm nhìn dài hạn, tích hợp được những đòi hỏi về mặt khoa học công nghệ, dự báo để hệ thống tồn tại xuyên suốt trong hàng chục đến trăm năm.
“Năm 2021 không có nhà máy xử lý rác thải rắn ở bãi rác Khánh Sơn, không xong hệ thống thu gom nước thải, xử lý nước thải ở phía đông… Bãi rác Khánh Sơn sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Nếu không có bãi chứa mới, thành phố sẽ ngập rác, nguy cơ biến thành “thành phố chết”.
Trước đây, một trận mưa lớn, kéo dài hàng tiếng đồng hồ nước thải mới tràn ra biển. Nhưng nay chỉ cơn mưa nhỏ, nước thải đã ào ạt tràn ra biển, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trưởng. Trước đây, cơ sở dịch vụ ít hơn bây giờ mọc lên khắp nơi.
Nếu những khách sạn, nhà hàng đều có hệ thống đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, đầu tư hệ thống thiết bị đầy đủ, xử lý nước thải rồi gom vào hệ thống xử lý nước thải… thì sẽ không có nước thải ra ngoài. Sự kiểm soát của chúng ta lại lỏng lẻo, kém hiệu lực hơn…” – Ông Thơ nhìn nhận.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, hiện nay, có nhiều đối tượng đang lợi dụng vào môi trường để giảm chi phí kinh doanh. Hàng trăm khu nhà hàng, khách sạn, quán tạm… hầu như không xử lý nước thải…
Nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp không chịu xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tìm biện pháp thoát vào hệ thống chung hoặc có xây dựng xử lý không đạt, đăng ký đạt tiêu chuẩn xử lý môi trường cũng chỉ đối phó.
Những đối tượng này lạm dụng vấn đề môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường rất lớn. Điều đó là không công bằng nên phải được xử lý.
“Cái tồn tại lớn nhất hiện nay là năng lực bộ máy của thành phố còn quá nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Việc đề ra và thực thi các chính sách thực hiện bảo vệ môi trường còn nhiều lổ hổng. Vấn đề xả thải có thể thấy, nhận được phản ánh rất nhiều nhưng gần đây chỉ mới xử phạt lác đác nhưng không bao nhiêu. Lâu lâu mới có vài trường hợp được xử lý vi phạm bảo vệ môi trường…” – Chủ Huỳnh Đức Thơ chỉ rõ.
Với việc xác định những tồn tại và để hoàn thành được mục tiêu mới xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng xác định việc xây dựng thành phố môi trường là một quá trình lâu dài, bền vững, kết hợp hài hòa giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, người dân có ý thức, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng và hình thành lối sống văn minh.
Để hoàn thành được mục tiêu, thành phố còn rất nhiều việc phải làm và cần sự vào cuộc đồng bộ của cả thành phố, sự chung tay và góp sức của nhân dân cũng như hội viên của các hội, đoàn thể... Các ngành sử dụng các nguồn vốn hiệu quả, thúc đẩy các dự án môi trường sớm triển khai như dự án thu gom nước thải ven biển phía đông thành phố, nhà máy xử lý chất thải rắn…
Xây dựng được hệ thống chính sách pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đặc trưng đối với một thành phố môi trường, tiếp tục đột phá về cải cách thủ tục hành chính về môi trường. Quan trọng nhất là phải tiếp tục có những hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và huy động được sự tham gia của cộng đồng vào công cuộc bảo vệ môi trường. Thực tế đã cho thấy, sự nghiệp bảo vệ môi trường không thể thành công nếu không có sự vào cuộc của cả cộng động.
“Chắc chắn, công cuộc thực thi thành phố môi trường càng lúc sẽ càng khó khăn bởi những thách thức sẽ gia tăng theo sự gia tăng từ các hoạt động không kiểm soát của con người và biến đổi khí hậu. Do đó, chúng ta phải đặt ra những quyết tâm to lớn hơn nữa không những ở cấp cao thành phố mà phải xuống tận cấp phường, cấp tổ, làm thế nào nhận thức của chúng ta tốt, hành động quyết liệt, biện pháp có hiệu quả.”- ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.