Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 13-17/11, các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận đã có mưa to đến rất to, trong đó Thừa Thiên Huế có mưa từ 600-1.100mm, có nơi trên 1.300mm (đặc biệt mưa cường suất rất lớn 957mm/ngày tại Thượng Quảng); Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa từ 300-500mm, có nơi trên 600mm; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa mưa 200-300mm. Một số trạm có mưa rất lớn như: Thượng Lộ (TT.Huế): 1.321mm, Rào Trăng 4 (TT.Huế): 1.230mm, Khe Tre (TT.Huế): 1.175mm, Trung tâm GD-DN 05-06 (Đà Nẵng): 851mm, Phước Hiệp (Quảng Nam): 998mm, Trà My (Quảng Nam): 895mm, Ba Điền (Quảng Ngãi): 1.160mm.

leftcenterrightdel
 Thừa Thiên Huế là "tâm mưa" của miền Trung, trong đó có nơi lượng mưa đạt trên 1.300 mm /thuathienhue.gov.vn

Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, đến chiều ngày 17/11 cho biết, đợt mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt cục bộ tại nhiều địa phương, cùng với các hình thái thời tiết cực đoan dông lốc, lũ, đã khiến 7 người chết, 2 người mất tích, trong đó Quảng Trị 3 người chết, Thừa Thiên Huế 3 người chết, Quảng Nam 1 người mất tích, Bình Định 1 người chết, Phú Yên 1 người mất tích.

leftcenterrightdel
 Đại nội Huế ngập sâu trong nước. Ảnh: Thái Lộc.

Lũ lụt cũng gây ra nhiều tai nạn chết người liên quan đến đuối nước, trong đó Phú Yên có 4 người, Ninh Thuận có 1 người, đều là học sinh, Khánh Hòa có 1 người.

Mưa lũ khiến hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập (trong đó riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế 20.761 nhà ngập), hơn 500 ha lúa hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập, đổ (Quảng Trị 123ha, Khánh Hòa 400 ha,..), 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống, hàng ngàn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi (Quảng Trị 1.014, Khánh Hòa hơn 1.500 con, Phú Yên 522 con,..), nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã và kênh mương thủy lợi bị ngập, sạt lở,.. Đèo Khánh Lê nối Nha Trang- Đà Lạt bị lở nhiều điểm gây ách tắc giao thông.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi những gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ / thuathienhue.gov.vn

Đến sáng ngày 18/11, mưa trên hầu khắp các địa phương trong khu vực đã chấm dứt, mực nước trên các sông đang xuống.

Triển khai các chỉ đạo và công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, những ngày qua, các địa phương trong khu vực đã chủ động, tích cực các biện pháp, bao gồm sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn, ứng trực tại các vị trí xung yếu, nguy hiểm, huy động nhân vật lực giải phóng các vị trí bị sạt lở trên các tuyến giao thông…

leftcenterrightdel
 Nước lũ cuốn trôi cầu gỗ Phú Kiểng trên Sông Cái, Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Quốc Bảo.

Hiện các địa phương tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, xử lý môi trường ngay sau khi lũ rút, thống kê, đánh giá thiệt hại; tổ chức thực hiện vận hành đơn hồ, liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai lực lượng rà soát, kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập xung yếu; các công trình đang thi công, khu vực dân cư có nguy cơ cao bị sạt lở.

PV