Không giống như cúm lợn, tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người, nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Đây chính là đầu mối nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

Để chọn thịt lợn an toàn, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) hướng dẫn người dân cách nhận biết thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

leftcenterrightdel
Biểu hiện lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. 

Theo đó, thịt lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt. Phần tứ chi, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh.

Khi mổ ra, lợn tả có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.

Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả bằng mắt thường. Nếu thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết, tai lợn bị tím, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì là thịt ôi hoặc thịt lợn mắc bệnh.

Ngoài ra, người dân có thể dùng tay để kiểm tra độ đàn hồi của thịt, nếu thịt bị ngón tay ấn vào không bị lõm, không bị dính, rỉ nước và chắc thì đó là thịt khỏe mạnh. Còn lợn nhiễm bệnh sẽ có phần bì lấm chấm xuất huyết, nhão, tai lợn bị tím.

Hiện nay, nhiều nơi sau khi xác nhận có lợn nhiễm dịch tả, các chủ cơ sở vẫn giết mổ lợn, sau đó sơ chế, tẩm ướp hóa chất, bán cho người tiêu dùng. 

Để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, người tiêu dùng nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín như: Siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch... Điều quan trọng nữa là người tiêu dùng không nên vì giá rẻ mà chọn mua thịt lợn tại địa điểm bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi bán nhiều khói bụi, ruồi nhặng nhưng không có biện pháp che chắn.

Khi chế biến thịt lợn, người tiêu dùng cần rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, không nên chế biến thịt chín tái, không nên để thịt đã qua chế biến trong hơn hai giờ ở nhiệt độ phòng. Đặc biệt là không bỏ thịt vào nước đang đun sôi bởi sẽ khiến các chất hóa học dễ bị hấp thụ ngược lại vào bên trong thịt.

Tuệ Anh(T/h)