10h15: Đã có một người tử vong do bão số 9
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh này đã có 1 người chết do bão số 9.
Đó là anh Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1981, ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) bị ngã khi chằng chống nhà ở. Ngoài ra, huyện Nghĩa Hành cũng có 1 người bị thương do bão số 9.
|
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng, chống bão số 9. |
9h sáng: Phó Thủ tướng họp chỉ đạo khẩn đối phó với bão
Đầu giờ sáng nay 28/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trinh Đình Dũng đã có buổi họp khẩn với các lực lượng phòng chống bão số 9. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tận dụng tối đa thời gian để bảo vệ tính mạng, tài sản của của người dân, tiếp tục kiểm tra, rà soát các tàu thuyền trên biển, đặc biệt là 42 tàu còn đang ở trong khu vực nguy hiểm; các khu vực neo đậu; “cưỡng chế di dời tất cả những người còn ở trên tàu thuyền tại khu neo đậu, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản”.
Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại một lần nữa tình hình sơ tán, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, gió giật mạnh. Tất cả những nơi tránh trú bão, đón người dân sơ tán phải kiểm tra, gia cố lại chắc chắn.
|
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng, chống bão ở Đà Nẵng. |
* 9h: Bão quần thảo bắt đầu dữ dội từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên
Đến 9h sáng nay, hầu hết các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đều đã có mưa và gió. Nhiều nơi có mưa rất to và gió rất lớn. Tại Đà Nẵng từ khoảng 6h sáng nay gió bắt đầu nổi lên và thổi mạnh dần. Đã có người dân đi ra đường bị gió quật ngã xe máy.
Tại Quảng Nam, khu vực Chu Lai, Núi Thành bị cúp điện. Người dân ở trong nhà trú bão, thắp nến để sinh hoạt. Bên ngoài, gió đang giật mạnh làm gãy nhiều cành cây. Khu vực Tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, trời tiếp tục trút mưa nặng hạt. Nước biển Cửa Đại đang dâng cao, xô mạnh vào bờ kè. Sức gió hiện nay tại vùng biển Cửa Đại, TP Hội An đạt khoảng cấp 8-9.
Tại Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên mưa rất lớn, gió mạnh khiến nhiều cây xanh ngã đổ. Nhiều nơi tại các tỉnh miền Trung đã bị mất điện do bão số 9.
7h sáng nay, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, trời bắt đầu mưa nặng hạt hơn, gió lớn từng cơn. Cây cối bị gió quật ngả nghiêng. Tại Phú Yên, mưa rất to và gió giật mạnh từng cơn liên tục. Nhiều nơi ở thị xã Sông Cầu và thị xã Đông Hòa mất điện. Hiện lực lượng chức năng tỉnh đã điều động xe bọc thép đến khu vực vùng trũng để kịp thời ứng phó nếu có sự cố xảy ra. Tại Bình Định, mưa lớn xuất hiện trên toàn tỉnh, TP Quy Nhơn có gió giật mạnh.
|
|
Lực lượng chức năng tại Đà Nẵng kêu gọi người dân rời tàu thuyền để lên bờ |
Tại Đà Nẵng, gió bắt đầu rít mạnh. Người dân cơ bản đã chằng chống xong nhà cửa để hạn chế thiệt hại. Ngoài đường không một bóng người. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức Đà Nẵng nghỉ làm để tập trung ứng phó bão số 9. Học sinh cũng được nghỉ học nên một số trường học cũng được dùng để làm nơi trú tránh cho người dân.
Nhiều người dân tại Đà Nẵng đã chủ động bỏ lại nhà cửa đưa gia đình đến các khách sạn trên địa bàn để ở nhằm hạn chế tối đa nguy hiểm có thể gặp và đảm bảo an toàn tính mạng. Theo báo cáo, đến khuya 27/10, tại Đà Nẵng đã di dời 20.178 hộ với 91.206 người.
|
|
Cây ngã đổ tại Quảng Ngãi. Ảnh vtc.vn |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương, lúc 6h sáng 28/10, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 300 km, cách Quảng Nam 220 km, cách Quảng Ngãi 190 km, cách Phú Yên 180 km. Gió cấp 13, giật cấp 16.
Gió ở khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định cấp 11-13, giật cấp 15; ở Thừa Thiên - Huế, Phú Yên có gió cấp 8-10, giật cấp 12. Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió cấp 9, giật cấp 11.
|
|
Nhiều biển hiệu, cây xanh bị gió quật đổ. |
8h sáng nay, tại khu vực xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nơi dự báo tâm bão số 9 đi qua mưa xối xả, gió giật mạnh từ cấp 7 đến cấp 8.
Lúc 7h30 sáng 28/10, khu vực thị xã Sông Cầu - vùng cực bắc của Phú Yên gió mạnh cấp 10, tại TP Tuy Hòa gió mạnh cấp 8. Theo dự báo, cấp gió tại Phú Yên sẽ còn tiếp tục tăng. Hiện khu vực tỉnh Phú Yên có mưa to với lưu lượng 90 mm.
|
|
Bão áp sát Đà Nẵng - Phú Yên, gió giật mạnh kèm theo mưa lớn. |
Tính đến 6h sáng nay 28/10, địa phương đã tổ chức di dời sơ tán tại chỗ đối với các khu vực ven biển, sông bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, ngập lụt. Khoảng 11.308hộ/44.218 (sơ tán dân ảnh hưởng bão số hộ 11.278/44.167 khẩu; sơ tán dân ảnh hưởng lũ lụt số hộ là 30 hộ/51 khẩu).
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Lý Sơn đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Tại Hoài Nhơn (Bình Định) đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. TP Quy Nhơn đang có gió rất mạnh. Sóng biển cao hơn 2 mét. Hàng loạt cây xanh bị gió quật ngã đổ.
|
|
Bão số 9 gây thiệt hại ở Quảng Ngãi. Ảnh vnn |
Tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) gió rít từng cơn liên hồi, mưa không lớn. Đường Lý Thường Kiệt không một bóng người. Tại biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) gió giật mạnh, mưa không lớn, sóng biển đánh vào bờ cao hơn 3m.
Từ 8h sáng ngày 28/10, tại thành phố Đà Nẵng gió giật mạnh, mưa lớn từng đợt. Đặc biệt, tại các tuyến đường ven biển, gió giật mạnh, mưa to, sóng biển cao khoảng 3-4 mét.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9, nên từ chiều tối và đêm qua tại Đà Nẵng có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to. Lượng mưa từ 13h ngày 27/10 đến 1h ngày 28/10 phổ biến 15-40mm, có nơi cao hơn như Suối Đá 53.0mm.
|
|
Lực lượng chức năng vẫn đang túc trực ứng phó với diễn biến phức tạp của cơn bão số 9. |
Đến 7h sáng 28/10, Đà Nẵng đã di dời được 20.948 hộ dân với 94.476 nhân khẩu ở khu vực ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, người dân sinh sống trong các nhà cấp 1, không kiên cố… Tính đến 5h ngày 28/10, Đà Nẵng có 1242 tàu khai thác hải sản với 7.430 lao động. Trong đó, 1240 tàu đang đang neo đậu, 2 tàu với 17 lao động đang hoạt động ở hu vực Nam Biển Đông - Cà Mau.
Sáng sớm nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp gấp với các lực lượng phòng chống bão số 9 khi chỉ còn ít giờ nữa là bão đổ bộ vào đất liền.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 ở Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục nhấn mạnh, mạnh dù bão số 9 đã giảm cấp theo dự báo nhưng còn rất mạnh, ảnh hưởng rộng, mưa rất lớn, cần phải tập trung tìm kiếm, cứu hộ các thuyền viên trên hai tàu cá Bình Định mất tích.
Các địa phương phải tận dụng tối đa thời gian để bảo vệ tính mạng, tài sản của của người dân, tiếp tục kiêm tra, rà soát các tàu thuyền trên biển, đặc biệt là 42 tàu còn đang ở trong khu vực nguy hiểm; các khu vực neo đậu; cưỡng chế di dời tất cả những người còn ở trên tàu thuyền tại khu neo đâu, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại một lần nữa tình hình sơ tán, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, gió giật mạnh. Tất cả những nơi tránh trú bão, đón người dân sơ tán phải kiểm tra, gia cố lại chắc chắn.
Ngay sau khi buổi họp kết thúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các thành viên Ban chỉ đạo tiền phương lập tức lên đường kiểm tra thực địa tại Đà Nẵng và Quảng Nam.