Để ứng phó với bão số 9, ngày 27/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão bao gồm Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương PCTT - Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, Bộ trưởng – Phó Trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo Trung ương PCTT - Nguyễn Xuân Cường làm Phó Trưởng ban với các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ. Chiều ngày 27/10/2020, Ban Chỉ đạo tiền phương đã họp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh trong vùng ảnh hưởng của bão để triển khai phương án ứng phó với bão số 9.
|
|
Lực lượng chức năng di chuyển người dân ra khỏi vùng nguy hiểm |
Đối với các địa phương như Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Kon Tum cũng đã có công điện, văn bản chỉ đạo và triển khai ứng phó với bão như tổ chức thông báo, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển trú tránh, neo đậu; gia cố, di dời lồng, bè nuôi trồng thủy sản; rà soát, chuẩn bị sơ tán dân khu vực nguy hiểm; sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.
Thừa Thiên Huế có Công điện yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 21h/27/10, người lao động trong các cơ quan không ra đường khi gió lớn xảy ra (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt); neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, trong các lán trại công trình đang xây dựng từ 18h/27/10; tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng thấp trũng, ngập úng, hoàn thành trước 15h/27/10.
|
|
Người dân Quảng Nam làm hầm chống bão |
Đà Nẵng: Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu ; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng từ 18h/27/10; UBND các quận, huyện thành lập các Đoàn công tác kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 ở từng phường, xã.
Quảng Ngãi: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định thành lập Đoàn công tác và phân công địa bàn để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9.
Phú Yên: Tỉnh ủy có Văn bản triển khai công tác phòng, chống bão số 9; ban hành lệnh cấm biển từ 9h/27/10; sơ tán dân cư khỏi khu vực nguy hiểm và không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, hoàn thành trước 18h/27/10.
Khánh Hòa: Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 26/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về các địa phương phụ trách trước 15h ngày 27/10 để phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác ứng phó bão số 9; ngừng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển kể từ 18h/27/10 đến khi kết thúc bão; các ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển phải vào bờ trước 18h/27/10;
Ninh Thuận: Có công điện số 3887/CĐ-UBND ngày 27/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và hoạt động trên biển từ 14h/27/10; tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền, không để người dân ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè, hoàn thành trước 18h ngày 27/10.
|
|
Người dân TP Đà Nẵng chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ |
Về tình hình sơ tán dân các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 492.461 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19h chiều 27/10, cụ thể Quảng Nam: 37.169/148.675 người dự kiến xong trước 17h/27/10; đã hoàn thành sơ tán 14.839 hộ/ 42.950 người. Quảng Ngãi: 31.460 hộ/119.182 người, dự kiến xong trước 17h/27/10; đã hoàn thành sơ tán 15.361 hộ/ 55.673 người. Bình Định: 23.673 hộ/96.513 người, dự kiến xong trước 19h/27/10. Phú Yên: 8.050 hộ/27.653 người, dự kiến xong trước 17h/27/10. Thừa Thiên Huế: 19.547hộ/ 67.812 người, dự kiến xong trước 15h/27/10. TP Đà Nẵng: 12.067 hộ/ 32.626 người, dự kiến xong trước 15h/27/10.
Cũng để ứng phó với bão số 9 và giảm thiểu thiệt hại, chính quyền địa phương đã thông tin cho khách du lịch biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh tại một số khu du lịch tập trung đông khách như Nha Trang, tỉnh Khánh Hóa, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định,....
|
|
Đà Nẵng sơ tán người dân đến nơi an toàn |
Hồi 15h00 ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 cách Đà Nẵng khoảng 580 km, cách Quảng Nam 520km, cách Quảng Ngãi 470km, cách Phú Yên 390km; sức gió mạnh nhất cấp 14, giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 20-25km/h. Gió đo thực tế lúc 12h/27/10 tại một số trạm như sau: Song Tử Tây (Khánh Hòa) 39,6km/h (cấp 6, giật cấp 9); Lý Sơn (Quảng Ngãi) 41km/h (Cấp 6); Cồn Cỏ (Quảng Trị) 21 km/h (Cấp 4). Đến 17h, chỉ có 01 trạm Song Tử Tây 32,4km/h (Cấp 5, giật Cấp 8).
Dự báo: Trong 24 giờ tới, bão di chuyển 20-25km/h theo hướng Tây Tây Bắc, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, gió cấp 12-13, giật cấp 15. Trên biển đến 15 giờ ngày 28/10, trên đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên; gió cấp 12, 13, giật cấp 15, sau đó suy yếu thành ATNĐ. Gió trên đất liền từ Đà Nẵng, Quảng Nam Quảng Ngãi, Bình Định: cấp 111-13, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10m. Thừa Thiên Huế, Phú Yên: cấp 8-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m. Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa: cấp 6-7, giật cấp 10. Khánh Hòa, Bình Thuận: cấp 7, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m. Kon Tum, Gia Lai: cấp 7-8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.
|