Chung tay vì một đại dương sạch

Trong khuôn khổ GEF lần thứ 6, một sự kiện bên lề vừa được diễn ra ngày 26/6 là Hội nghị với chủ đề “Quản lý rác thải đại dương”. Hội nghị nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của khu vực và quốc tế, nâng cao nhận thức của cộng đồng và đề xuất các giải pháp, biện pháp giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa đại dương đến tài nguyên, môi trường biển và sức khỏe của con người.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Biển và Đại dương. Tuy nhiên, hiện nay biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, trong đó, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải, mà chủ yếu là rác thải nhựa, từ các hoạt động kinh tế- xã hội diễn ra trên đất liền và trên biển. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hàng năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển. Việt Nam đừng  số 4/20 quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi rác thải nhựa đại dương với sản lượng trung bình là 0.5 tấn/mỗi năm.

leftcenterrightdel
Đại hội đồng GEF lần thứ 6 đang diễn ra tại TP.Đà Nẵng 

“Trước vấn đề mang tính chất toàn cầu đó, thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa. Việt Nam đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa” với mong muốn sẽ thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức toàn cầu và địa phương; chuyển hóa mô hình tăng trưởng từ nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu sang tái chế, huy động sự tham gia của các cấp, các nhà sản xuất; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và kiến thức về quản lý rác thải đại dương giữa các quốc gia trong khu vực; tăng cường năng lực và đào tạo về mặt chiến lược", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đồng tình với đề xuất sáng kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Peter Thomson – Trưởng phái đoàn Liên hợp quốc về đại dương cho rằng Việt Nam có đường bờ biển dài đang phải đối diện với các thách thức như hệ sinh thái bờ biển suy giảm, nước biển tăng, rác thải …

“Chính phủ Việt Nam cần ban hành các chính sách nghiêm ngặt quy định bảo vệ môi trường đối với các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… để nâng cao nhận thức người dân có trách nhiệm với đại dương, tiến tới thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về nước sạch, làm sạch bờ biển. Liên hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm đến những vấn đề này tại Việt Nam trong thời gian tới”- Ông Peter Thomson, Phái đoàn Liên hợp quốc về đại dương đề xuất.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm quốc tế và khu vực hết sức hữu ích về quản lý rác thải nhựa đại dương, tích cực tham gia và thảo luận những vấn đề liên quan đến chủ đề quản lý rác thải nhựa đại dương, đặc biệt đối với Sáng kiến của Việt Nam về việc thiết lập mối quan hệ đối tác giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương khu vực biển Đông Á.

Vì một đại dương không có rác thải nhựa.

Cũng trong khuôn khổ GEF lần thứ 6 Bộ TN&MT cũng đã phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng tổ chức Chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương” với chủ đề khắc phục các mối đe dọa môi trường do ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, thành phố biển Đà Nẵng được biết đến với những danh hiệu như “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, “Một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015” luôn hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy đang bị đe dọa bởi sự gia tăng của các loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa trên biển.

“Rác thải nhựa trên biển đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng. Để giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ chất thải nhựa trên biển hiện nay, thế giới và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mang tính pháp lý đến những hoạt động, dự án cụ thể.

Hoạt động làm sạch bãi biển là dịp nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển cũng như thúc đẩy sự phối hợp của các cấp các ngành trong hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát, quản lý rác thải biển nói chung và rác thải nhựa nói riêng.”, ông Nhân nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Nhiều đại biểu tham gia làm sạch môi trường bờ biển Đà Nẵng 

Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước tích cực phối hợp, tham gia với ngành tài nguyên và môi trường trong việc thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các chiến dịch làm sạch bãi biển nhằm gìn giữ môi trường biển cho chính chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.

Cũng tại buổi lễ, chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc tài chính môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - Bà Adriana Dinu cho biết, hàng năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển.

Với đường bờ biển dài hơn 3,000 km, Việt Nam góp phần vào ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, từ các trung tâm dân số ven biển và rác thải đổ ra biển theo các dòng sông. Với 20% GDP của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên biển, Việt Nam cần tiến hành các bước cần thiết để bảo vệ và phục hồi đại dương và vùng bờ.

“Để làm được điều đó, ngoài việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ, chúng ta phải chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân về rác thải đại dương và trách nhiệm cộng đồng trong quản lý và bảo vệ môi trường biển. Và đó là lí do chúng ta cùng có mặt sáng ngày hôm nay để có hành động bảo vệ môi trường và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Sự có mặt và tham gia của quý vị, đại diện của các quốc gia, sinh viên, thanh niên và quân đội cho thấy một nỗ lực lớn trong việc giữ đại dương không bị ô nhiễm.” Bà Adriana Dinu nói.

leftcenterrightdel
Vì một đại dương không rác thải nhựa 

Với ý nghĩa thiết thực của chương trình, ngay từ sáng sớm, hơn 500 đại biểu tham dự Kỳ họp Đại hội đồng GEF 6 đã cùng với các lực lượng vũ trang, thanh niên, nhân dân và sinh viên các trường đại học TP.Đà Nẵng cùng chung tay thu gom và dọn dẹp rác thải, phân loại rác thải vô cơ/hữu cơ, đổi rác thải sinh hoạt lấy các sản phẩm tái chế từ nhựa trên bờ biển, trồng cây phi lao chắn sóng, tạo sức lan tỏa về hành động chung của cộng đồng quốc tế và trong nước.

 “Em đã tham gia nhiều chương trình bảo vệ môi trường, nhưng lần đầu tham gia sự kiện mang tầm quốc tế như thế này. Rất nhiều bạn trẻ như em, người dân, và cả đại biểu tham gia GEF cũng tự tay nhạt rác trên bờ biển. Em cho rằng những việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn như thế này sẽ góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên khiến Đà Nẵng luôn sạch sẽ”, vừa nhanh tay nhặt rác trên bờ biển, bạn Trần Linh Chi, sinh viên trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng vừa chia sẻ.

Ngoài làm sạch rác, Việt Nam cũng tham gia kí cam kết hợp tác và hỗ trợ với các đối tác, trong các hoạt động chống ô nhiễm biển. Vì một quốc gia không thể một mình giải quyết vấn đề ô nhiễm đại dương mang tính chất khu vực và toàn cầu, mà cần sự chung tay, đồng lòng của mọi cá nhân, của cả một cộng đồng.

Lê Tâm – Xuân Nha