leftcenterrightdel
Một gia đình đồng bào Mông ở Hang Kia, Pà Cò giã bánh dày trong ngày Tết. Ảnh: Thanh Hà. 

Văn bản số 30 của UBND xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) ngày 18/12 thông báo kết quả Hội nghị tổng kết quy ước 4 xã được tổ chức tại Lóng Luông (Sơn La), gồm: Xã Lóng Luông, xã Vân Hồ của huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) và các xã Pà Cò, Hang Kia của huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Thông báo nêu rõ: Kể từ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 trở đi, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông ở 4 xã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán cùng cả nước (không tổ chức ăn tết trước Tết Nguyên đán một tháng như trước đây).

Văn bản này đã nhận được những phản ứng khác nhau từ dư luận. Liên quan đến sự việc này, ông Vũ Việt Dũng - Phó cục trưởng Cục Văn hoá Cơ sở (Bộ VHTT&DL) cho biết, Cục Văn hoá Cơ sở chưa nhận được văn bản chính thức nào về đề xuất gộp Tết Mông vào Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, theo thông tin Cục này nắm được, thì có 4 xã gồm: Lóng Luông, Vân Hồ của huyện Vân Hồ (Sơn La) và Pà Cò, Hang Kia của huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã tổ chức hội nghị nhân dân 4 xã và đi đến thống nhất ăn Tết theo lịch của cả nước.

Ông Lê Việt Dũng khẳng định, đối với phong tục tập quán của các dân tộc, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và làm mất đi giá trị truyền thống của đồng bào. “Về quan điểm, Cục Văn hóa cơ sở ủng hộ theo nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn”, ông Vũ Việt Dũng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà dân tộc học, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho rằng: Tết người Mông là Tết truyền thống gắn với mỗi gia đình, dòng họ nên chúng ta phải tôn trọng quyết định của các thực thể văn hóa, đó là các gia đình, các dòng họ.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập và phát triển văn hóa như hiện nay, chúng ta đang hướng tới xu hướng kết hợp hài hòa giữa hội nhập và hiện đại hóa với việc gìn giữ văn hóa truyền thống, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể.

"Ngày Tết là di sản văn hóa phi vật thể, nên theo tôi, chúng ta vẫn nên duy trì các ngày Tết truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng cần thay đổi cách thức tổ chức cho hợp lý để việc ăn Tết cổ truyền phù hợp với điều kiện sống mới, với hoàn cảnh sống mới", PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Với Tết người Mông hiện nay cũng nên đặt ra vấn đề tương tự. Tết Mông được tính theo niên lịch Mông, phù hợp với tiết trời, mùa màng, cách canh tác. Đồng bào người Mông cũng nên lựa chọn cách thức tổ chức và đón Tết như thế nào cho thích hợp, vừa giữ được truyền thống nhưng không kéo dài, lãng phí, không làm ảnh hưởng đến người đi làm và trẻ em đi học…

“Nếu muốn giữ gìn sự đa dạng văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa truyền thống của người Mông, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc nên có những khuyến nghị với đồng bào, về việc tổ chức ăn Tết nhưng giảm nhẹ bớt đi, rút ngắn thời gian và tiết kiệm, đó là giải pháp tốt nhất hiện nay", PGS.TS Nguyễn Văn Huy nêu ý kiến.

Còn một bạn trẻ người Mông ở Pà Cò tên T. cho rằng, đây chỉ là việc thay đổi thời gian ăn Tết, còn các phong tục, nghi lễ trong ngày Tết của người Mông không thay đổi, vẫn tiến hành như thường, chỉ là chậm hơn một tháng so với lịch cũ. Không những thế, việc lùi thời gian ăn Tết của dân tộc Mông cùng với Tết Nguyên Đán lại là cơ hội cho T. có điều kiện về ăn Tết cùng gia đình. 

T. chia sẻ, bạn đang đi học xa nhà và rất ít có cơ hội về ăn Tết cùng với gia đình mình, ngay cả những phong tục tập quán, lễ hội cũng không có điều kiện được chứng kiến. Mấy năm gần đây, một số gia đình có con đi học hoặc đi làm xa, vì không muốn ăn Tết mà con mình không có nhà, nên đã tự lùi lại thời gian ăn Tết của dân tộc Mông cùng với lịch Tết Nguyên đán, để con ở xa kịp về, cả nhà được quây quần ăn Tết bên nhau, trong khi nhiều nhà hàng xóm của T. vẫn ăn Tết Mông như bình thường.

“Thực ra sự thay đổi lịch ăn Tết này là một sự sắp xếp cho phù hợp với tất cả mọi người, không ảnh hưởng đến văn hóa của người Mông. Cái cần giữ không phải là thời điểm ăn Tết mà là giữ nội dung ăn Tết mới quan trọng”, bạn trẻ này khẳng định.

baotintuc.vn