Thời gian qua, vấn đề “khai tử” sổ hộ khẩu (SHK) giấy, sổ tạm trú giấy được người dân đặc biệt quan tâm. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Trường hợp nào SHK bị thu hồi? Vì sao phải thu hồi? Thu hồi rồi lấy gì chứng minh thông tin cư trú…
Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết:
Bộ không có chủ trương thu hồi SHK đại trà.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, bắt đầu từ ngày 1-1-2023, SHK giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức không còn giá trị sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử, thay vì thủ công như trước đây.
Kể từ ngày 1-7-2021, thời điểm luật có hiệu lực, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong SHK, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi SHK, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại SHK, sổ tạm trú.
Đối với SHK giấy, sổ tạm trú giấy đã được cấp trước ngày 1-7-2021 thì vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31-12-2022. Như vậy, Bộ Công an không có chủ trương thu hồi SHK đại trà. Luật quy định rất rõ, chỉ những trường hợp làm các thủ tục dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ thì cơ quan công an mới phải thu hồi.
Cụ thể, kể từ ngày 1-7-2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức đưa vào hoạt động. Khi công dân thực hiện các thủ tục về cư trú, lực lượng công an sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Những thay đổi về cư trú sẽ được điều chỉnh trên hệ thống thông tin điện tử chứ không điều chỉnh trên SHK giấy. SHK lúc này không còn giá trị nên buộc phải thu lại theo quy định.
Chính vì chỉ được cập nhật trên hệ thống dữ liệu điện tử, thông tin về cư trú của người dân ở cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức và SHK giấy sẽ khác nhau. Việc thu lại nhằm tránh để người dân mang SHK (không cập nhật đầy đủ thông tin cư trú đi thực hiện các giao dịch, dẫn tới phát sinh nhiều vấn đề.
+ Như đã nói, việc thu hồi SHK hoặc sổ tạm trú chỉ thực hiện nếu công dân có sự thay đổi thông tin cư trú trong sổ. Những ai không thực hiện thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến SHK giấy, sổ tạm trú giấy thì không bị thu hồi.
Thêm vào đó, kể từ ngày 1-1-2023, SHK và sổ tạm trú hết giá trị, các giao dịch không còn sử dụng đến hai loại giấy tờ này, thay vào đó là sử dụng thông tin trên hệ thống dữ liệu điện tử. Đồng nghĩa cơ quan công an sẽ không thu hồi SHK nữa, người dân hoàn toàn có thể giữ lại.
|
|
Sổ hộ khẩu hết giá trị, cơ quan công an sẽ không thu hồi, người dân hoàn toàn có thể giữ lại. Ảnh minh hoạ |
Giấy xác nhận thông tin cư trú có giá trị 30 ngày
. Hiện công an đang cấp giấy xác nhận thông tin cư trú cho người dân, thay thế cho SHK đã bị thu hồi. Nhiều người mong muốn kéo dài thời hạn của giấy này, thay vì chỉ có 30 ngày?
+ Lẽ ra sau khi thu hồi SHK, cơ quan công an không cần phải cấp giấy này nữa. Về nguyên tắc, kể từ ngày 1-7-2021, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức đi vào hoạt động, các cơ quan, đơn vị đã có thể khai thác thông tin để phục vụ người dân.
Tuy nhiên, do đang ở giai đoạn “giao thời”, một số đơn vị vẫn yêu cầu xuất trình SHK, và cũng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, cơ quan công an sẽ cấp giấy xác nhận thông tin cư trú. Giấy này có giá trị trong vòng 30 ngày đối với trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.
Khi hết hạn, công dân có thể tiếp tục đến cơ quan công an hoặc thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an để xin cấp lại mà không phụ thuộc vào nơi thường trú.
Về vấn đề thời hạn chỉ có một tháng, việc này đã được tính toán và quy định rõ trong Luật Cư trú năm 2020. Thực tế, có người cả năm không thay đổi thông tin cư trú nhưng cũng có người trong một tháng đã có thể chuyển nơi thường trú, nếu không cập nhật kịp thời thì sẽ không chính xác.
+ Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ quy trình, tiến tới bỏ quy định yêu cầu người dân phải xuất trình SHK; đồng thời xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cũng như dữ liệu chuyên ngành để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Một khi đã kết nối và liên thông rồi, đương nhiên các cơ quan, đơn vị sẽ phải sử dụng thông tin của người dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip là có thể khai thác đầy đủ thông tin, thay vì phải cung cấp nhiều loại giấy tờ.