leftcenterrightdel
  Đồng chí Nguyễn Huy Tiến – Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao phát biểu khai mạc hội nghị.

Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và đồng chí Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao, các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc thành ủy, Ban Nội chính, các cơ quan quản lý và chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, các Ủy ban nhân dân thành phố, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan bổ trợ tư pháp TP Hải Phòng…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là chủ trương đúng đắn của Đảng; là nguyện vọng, sự lựa chọn của Nhân dân, là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện hiện nay. Một trong những nội dung quan trọng của xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là cải cách tư pháp; trong đó có đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại hội nghị.

Thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐ, ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc giao VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nội dung cải cách tư pháp trong VKSND, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; đồng thời, nhằm có đầy đủ thông tin thực tiễn thuyết phục cho những đề xuất về tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, VKSND tối cao tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của các tỉnh uỷ, thành uỷ và các cơ quan, tổ chức ở địa phương.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi - Vụ trưởng Vụ 14 trình bày tại hội nghị.

Việc khảo sát được thực hiện tại 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho 3 vùng, miền trong cả nước.

Hải Phòng là thành phố Cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ, có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước. Ngoài ra, Hải Phòng còn giữ vị trí tiền trạm của miền Bắc, nơi đặt trụ sở của Bộ tư lệnh Quân khu 3 và Bộ tư lệnh vùng 1 hải quân. Đó là lý do VKSND tối cao đã lựa chọn Hải Phòng là địa phương để tiến hành khảo sát tại khu vực phía Bắc.

Trước khi tổ chức buổi khảo sát, VKSND tối cao đã phối hợp với VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Phiếu khảo sát đến các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan tư pháp, các cơ quan tổ chức khác ở địa phương, trong đó có Thành phố Hải Phòng để lấy ý kiến về một số nội dung liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức tại địa phương.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Vũ Thanh Chương - Giám đốc Công an TP Hải Phòng tham gia góp ý tại hội nghị.

Tại Hội nghị, lãnh đạo TP Hải Phòng cho rằng, hoàn thiện cơ chế để bảo đảm và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các cơ quan tư pháp, trong đó, VKSND là một trong các chủ thể quan trọng giúp Đảng, Nhà nước thực hiện kiểm soát quyền lực tư pháp thông qua việc tiếp tục khẳng định, chỉ đạo tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp và điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền.

Trong công cuộc bảo vệ pháp luật và pháp chế, các cơ quan pháp luật, các cơ quan tư pháp phải giữ vai trò nòng cốt. Hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật có Tòa án, Công an, Viện kiểm sát, Thi hành án, Kiểm lâm, Biên phòng, Hải quan. Mỗi cơ quan, mỗi ngành đều có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ riêng và trên thực tế đã chủ động tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao; đã có sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ. Tuy vậy, cho đến nay, Hiến pháp và pháp luật chưa có quy định về vai trò chủ trì sự phối hợp, trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Do vậy, cần nghiên cứu việc giao cho VKSND thực hiện trách nhiệm là cơ quan chủ trì trong công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

leftcenterrightdel
 Trưởng Ban Nội chính TP Hải Phòng - Đặng Bá Cường phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Theo Báo cáo do đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học trình bày tại Hội nghị:  VKSND tối cao đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của các tỉnh uỷ, thành uỷ và các cơ quan, tổ chức ở địa phương về những nội dung như: khảo sát, nắm tình hình về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND tại địa phương; đánh giá chất lượng, uy tín, phẩm chất đạo đức, thái độ, tác phong làm việc của cán bộ, Kiểm sát viên ở địa phương; địa vị pháp lý của Viện trưởng VKSND; mối quan hệ giữa VKSND với cấp ủy, chính quyền và cơ quan, ban ngành ở địa phương…

Về việc đề xuất tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND đáp ứng yêu cầu nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó hoàn thiện cơ chế bảo đảm tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các cơ quan tư pháp, báo cáo đề dẫn đề cập đến việc nghiên cứu quy định giới hạn truy tố, chuyển từ cơ chế “truy tố bắt buộc” sang cơ chế “truy tố có điều kiện”, trên cơ sở xem xét, đánh giá, cân nhắc thận trọng các lợi ích (trước hết là vì lợi ích công) để quyết định việc truy tố.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hải Phòng đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Qua tiếp thu kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới, cần nghiên cứu mở rộng phạm vi thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSND có thẩm quyền điều tra cả tội các phạm tham nhũng, chức vụ liên quan đến hoạt động tư pháp mà người phạm tội không phải là cán bộ tư pháp. Giải pháp này nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của VKSND trong bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động tư pháp.

Về tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND trong việc phối hợp giữa các cơ quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường trách nhiệm của VKSND trong bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng (chế định tố tụng công ích), cụ thể là tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND trong tố tụng dân sự, tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND trong tố tụng hành chính, tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND trong kiểm soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính.

Báo cáo cũng kiến nghị cần bổ sung quy định cơ chế giám sát việc tuân thủ pháp luật trong việc ban hành VBQPPL và việc xử lý vi phạm hành chính; theo đó, có thể giao cho VKSND hoặc một cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền phù hợp nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.

Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao và đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hải Phòng, các đại biểu đã rất sôi nổi đưa ra ý kiến trao đổi, góp ý về các nội dung tiến hành khảo sát. Như về quan điểm, giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đổi mới VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; vai trò của VKSND trong kiểm soát quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực tư pháp - Thực trạng và yêu cầu, giải pháp tăng cường; chức năng thực hành quyền công tố của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; vai trò và yêu cầu của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Ngọc Tú - Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự đều khẳng định vị trí, vai trò của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là thiết chế Hiến định, độc lập, chuyên trách, có chức năng: Thực hành quyền công tố, quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Tòa án; kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng pháp luật…

Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, đánh giá cao những ý kiến phát biểu đầy tâm huyết, có sự tìm hiểu chuyên sâu của các đại biểu tham dự Hội nghị. Các ý kiến phát biểu góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện các luận cứ khoa học, phục vụ việc đề xuất những vấn đề cần đổi mới liên quan đến VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cũng khẳng định, sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các nội dung liên quan đến VKSND trong giai đoạn mới và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Hoàng Hưng - Phạm Thịnh