LTS: Lâu nay mọi người ít biết về di tích đồi F - một trong 45 cứ điểm quan trọng bậc nhất của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng trên di tích đồi F. Bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa Trương Hữu Thiêm cho chúng ta rõ hơn về di tích này... |
Cuối năm 1953, sau khi việc bố phòng các vị trí quân sự ở thung lũng Mường Thanh về cơ bản đã hoàn thiện, hơn ai hết, Bộ Chỉ huy Tập đoàn Cứ điểm ĐBP nhận thức rõ tầm quan trọng của đồi F, rằng trước hết, điểm cao này (đồi F) sẽ bảo vệ rất hiệu quả cho A1.
Chính vì vậy, người Pháp bố trí rất nhiều chướng ngại vật như hàng rào dây thép gai bùng nhùng đan xen các loại mìn, hệ thống hỏa lực bắn chéo, lướt sườn kết hợp với hỏa lực chính diện, hệ thống hỏa mai, pháo dù... Ban ngày, thường xuyên có cả trung đội từ cứ điểm A1 và cứ điểm C2, thay nhau ra cảnh giới cho đồi F.
|
|
Phối cảnh Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ trên đồi F. |
Cùng với đồi A1, đồi F là một trong các điểm cao quan trọng nhất của dãy đồi phía Đông, có tác dụng che sườn cho phân khu Đông, đồng thời cùng các điểm cao khác tạo thành một bức bình phong bảo vệ cho khu trung tâm Tập đoàn Cứ điểm ĐBP. Với quân ta, nếu chiếm được đồi F thì nơi đây có thể dùng làm trận địa hoả lực, đặt trung liên, đại liên, DKZ trực tiếp uy hiếp liền lúc 3 cứ điểm: Al, C1, C2, phong toả cả bên sườn và chính diện trận địa Pháp về phía Đông, bảo đảm chi viện cho bộ binh xung phong.
Do không có điều kiện viết dài, nên chúng tôi xin vắn tắt như sau: Tiểu đoàn 255 (trung đoàn 174, đại đoàn 316) được giao nhiệm vụ trong trận đánh đêm 30/3/1954, khống chế địch trên đồi A1. Dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Đôn Tự, quân ta bố trí một đại đội trợ chiến tăng cường trên đồi Cháy, trực tiếp uy hiếp đỉnh đồi A1 và xây dựng trận địa vững chắc trên đồi F, tạo thành lưới lửa hỏa lực thật mạnh hỗ trợ cho những chiến sĩ phòng ngự tại A1 nếu bị địch tiến đánh.
|
|
Bộ đội ta bắt tù binh Pháp. Ảnh TTXVN |
Ngay trong đêm đầu tiên, tiểu đoàn 255 nhanh chóng cắm chốt và bố trí hỏa lực tại đồi Cháy và đồi F, sẵn sàng bảo vệ cho trận địa trên đồi A1. Địch liên tục phản công hòng chiếm lại đồi F, nhưng những luồng đạn liên thanh chát chúa từ đồi Cháy và đồi F kết hợp với đạn súng cối và mưa lựu đạn của các chiến sĩ bám trụ, đã bẻ gãy những đợt xung phong của địch. Tuy nhiên trận địa của ta trên đồi F thấp hơn đồi A1 và C1, nên thường xuyên phải chịu những hỏa lực bắn thẳng, bộ đội ta gọi đồi F là “tử địa” cũng vì thế.
Sau 38 (có tài liệu viết 39) ngày đêm giao tranh ác liệt với nhiều trận đánh (trong các đợt tấn công khác nhau), chiến sự tại đồi A1 là sự đánh đổi bằng xương máu của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ ta. Có thể nói A1 là trận đánh then chốt, dài nhất, thương vong nhiều nhất và vì thế, thắng lợi của nó góp phần quyết định buộc quân Pháp phải đầu hàng. Cùng với đồi A1, quân đội ta đã làm chủ hoàn toàn đồi F vào rạng sáng ngày 7/5/1954.
|
|
Bộ đội ta tấn công cứ điểm A1. Ảnh TL TTXVN |
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi F thuộc Phân khu Trung tâm. Thay vì rất nhiều cứ điểm (trong số 49 cứ điểm), Đờ cát đặt bằng những cái tên vũ nữ, minh tinh màn bạc... rất lãng mạn, rất mỹ miều thì riêng đồi F, đặt là “Mont Fictif”, dịch ra tiếng Việt Nam có nghĩa là “Đồi tưởng tượng”.
Di tích đồi F nằm ở phía Đông đồi A1, có diện tích gần 60.000m2, điểm cao nhất trên đồi F khoảng 30 mét so với mặt đường Võ Nguyên Giáp hiện nay. Phía Đông và Đông Nam di tích đồi F tiếp giáp với đường Hoàng Văn Thái, phía Nam di tích là Nghĩa trang Liệt sỹ A1.
Địa hình cơ bản trên khu đồi F là một dải đất tương đối bằng phẳng, với các độ cao dọc tuyến là: +511, +507 và +513. Hiện nay di tích đồi F thuộc địa bàn tổ dân phố 18, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Trước đây đồi F và các điểm di tích khác nằm dưới quyền quản lý và khai thác của Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, từ đầu năm 2020 chuyển cho Ban Quản lý Di tích tỉnh (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên).
|
|
Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ trên đồi F. Ảnh Cổng TTĐTĐB |
Đồi F là di tích thành phần của Quần thể di tích lịch sử chiến trường ĐBP đã được xếp hạng di tích quốc gia loại đặc biệt, theo quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12.08.2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/NĐ-CP, ngày 21/9/2010, di tích đồi F thuộc loại hình Di tích lịch sử, thuộc Quần thể Di tích lịch sử cấp quốc gia chiến trường ĐBP.
Theo Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đồi F nằm trong danh sách 23 điểm di tích được bổ sung. Nội dung: Di tích đồi F diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I là 59.535,97m2 (không có khu vực bảo vệ II).
Đồi F gần với các di tích lịch sử - văn hóa đậm chất folklore (văn hóa dân gian). Theo thổ ngữ Thái đen, đồi F gọi là đồi Pom Ca, do xưa kia trên đồi có nhiều cây Sa nhân mọc hoang. Nếu đồi A1 từng là nơi Hoàng Công Chất đóng bản doanh cách đây gần ba thế kỷ, thì đồi Pom Loi (tức đồi Lễ tang), lại là nơi gắn với câu chuyện tình bi thương giữa nàng Ho Quảng với chúa Thái Lạng Chượng (địa danh “pú Lạng Chượng” có từ đầu thế kỷ XII). Thời kỳ “Đạo quan binh thứ Tư” cai quản (27/3/1916 - 4/9/1943), đồi A1 gọi là “đồi đồn Tây”, do có một đồn binh và một Tòa sở Quan binh của Pháp đóng tại đây. Tòa sở Quan binh do 3 sỹ quan Pháp thay nhau cai quản: Quan tư Fourmachat, tiếp theo là quan ba Vaillant và cuối cùng là quan hai Johner.
|
|
Di tích Đồi F nằm sát đồi A1 trong cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh TTXVN |
Đời nhà Trần, chân đồi A1 (đường Võ Nguyên Giáp hiện nay) có một ngôi chùa nhỏ xây bằng mật mía, lợp ngói âm dương. Cuối năm 1953, quân Pháp đã phá ngôi chùa đi để lấy chỗ dựng một lô cốt tiền duyên cho căn cứ “Eliane2”, gần “Ụ thằng người” như chúng ta thấy ở di tích đồi A1 hiện giờ.
Di tích đồi F chưa được quy hoạch, trùng tu, tôn tạo, chưa có tọa độ mốc giới GPS, chưa có bia di tích, chưa xác định được khu vực I - II và chưa có đường lên di tích (nên phải đi qua di tích đồi A1). Do chưa được quy hoạch, khoanh vùng nên trước khi công trình “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường ĐBP” được khởi công, trên đồi F có rất nhiều các loại cây gỗ tạp, trong đó chủ yếu là tre, nhãn, xoài, mít... và cả mấy ông nghiện mắc màn làm cứ như đồi F mang “sổ đỏ” chính chủ tên mình(!).
Đâu đó ven sườn đồi, còn khá nhiều dấu vết những hố bom và những giao thông hào từ thời chống Pháp (và cả ta đào để tập dân quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này), bị đất sạt lở gần hết. Hiện tại di tích đồi F chưa được lập sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích vì chưa tìm thấy di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích. Chưa có cuộc tìm kiếm, khai quật quy mô nào, ngoài mấy ngôi mộ liệt sỹ di dời dạo cuối năm 2020, trước khi khởi công công trình “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường ĐBP”.
Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ có diện tích gần 50.000m2 với thiết kế cực kỳ độc đáo, vừa kế thừa từ kiến trúc truyền thống, lịch sử, lại hiện đại, đậm văn hóa tâm linh, được đầu tư xây dựng với chi phí hơn 100 tỉ đồng. Tác giả công trình linh thiêng này là KTS Phạm Trung Hiếu, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội. Công trình này được chia thành 3 không gian chính, bao gồm: không gian dẫn nhập, không gian tĩnh tâm và không gian tâm linh, với điểm nhấn của đền thờ chính là 56 ngọn nến tượng trưng cho 56 ngày đêm "khoét núi ngủ hầm/mưa dầm cơm vắt" chiến đấu hy sinh anh dũng của quân và dân ta. |