Sinh ra ở miền quê nghèo thuộc xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế), miền quê chỉ có cát trắng trải dọc theo chiều dài của vùng đầm phá Tam Giang. 22 tuổi, chàng thanh niên Đoàn Văn Diệm cảm nhận được nổi nhục mất nước đã trốn nhà theo đội quân vũ trang đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám 1945: Trung đoàn 16, phân đội Trần Cao Vân.

Năm 1947, trong trận đánh với quân Pháp ở ga Huế, ông bị thương và được đưa ra Hà Tĩnh điều trị. Sau ngày lành vết thương, ông được cử theo học lớp hạ sỹ quan ở Ba Đồn (Quảng Bình) và được kết nạp Đảng. Năm 1948, ông được Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304), bổ nhiệm cấp bậc Trung đội trưởng và là xạ thủ súng máy xuất sắc lập công trong trận thắng Pháp đổ bộ ở Hạ Trạch (Quảng Bình).

leftcenterrightdel
 CCB Đoàn Văn Diệm mô tả lại trận đánh Điện Biên Phủ năm xưa trên tấm bản đồ do ông tự vẽ lại (ảnh Trọng Bình)

Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được điều động về Trung đoàn 346. Trung đoàn lúc này có 3 đại đội gồm: 50, 52, 53. Ông là Đại đội trưởng đại đội 50 trực tiếp tham gia đánh vào cứ điểm Hồng Cúm, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ông kể: Khi đơn vị ông hành quân đến Hồng Cúm, công việc đầu tiên là đào giao thông hào lấn sâu vào cứ điểm địch. Ngày đào, đêm đào dưới tầm pháo sáng và pháo kích cũng như bom đạn dội xuống như mưa từ trên máy bay địch. Đơn vị ông có 120 chiến sỹ, trong một trận phản kích dữ dội toàn đơn vị hy sinh chỉ còn lại 7 người nhưng vẫn giữ vững trận địa. Mỗi người còn lại với một rổ lựu đạn, quyết tử đến cùng.

Đại đội ông đào 8km hào giao thông đến giáp đồn địch. Riêng hệ thống hàng rào kẽm gai bao quanh cứ điểm Hồng Cúm có đến 5 lớp, mỗi lớp dày 5 mét. Vượt qua nó chỉ có cách đào hào xuyên sâu lòng đất. Đầu tiên là nằm đào, ngồi đào, rồi đứng đào. Nhiều cái phải chịu đựng. Khổ nhất là đói ngủ. Sướng nhất là bắn máy bay địch thả dù, vì chúng bay thấp. Nhiều dù lương thực, thực phẩm địch thả đều rơi về phía ta, nhờ đó mà cải thiện thêm bữa ăn tiếp tục chiến đấu. Nhiệm vụ chính của đơn vị là giữ địch không cho chúng chi viện lên Mường Thanh. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Hồng Cúm là nơi quân ta bắt được nhiều tù binh Pháp nhất, ông Diệm chia sẻ.

leftcenterrightdel
Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn khỏe mạnh đúng như niềm tự hào về cây đại thụ bên phá Tam Giang của người dân Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) (ảnh Trọng Bình)

Hoàn thành nhiệm vụ ở Hồng Cúm, ông được lệnh quay trở về giải phóng đồng bằng, đánh địch ở Sơn Tây, trên đường 21. Trước lúc có lệnh ngừng bắn một ngày, ông bị thương và được đưa về bệnh xá Vân Đình (Hà Nội) điều trị. Ngày bộ đội tiếp quản Thủ đô, ông vinh dự có trong đội quân duyệt binh. Trong những ngày luyện tập, đơn vị của ông vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần đến thăm và nói chuyện ở sân bay Bạch Mai, nơi đơn vị duyệt tập.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, ông được điều động vào binh chủng đặc biệt, xây dựng công trình quốc phòng. Năm 1960, ông có danh sách vào Nam chiến đấu. Ông mừng vô kể. Đây là dịp trở lại quê hương sau hơn 15 năm xa cách. Nhưng đợi mãi mà không thấy gọi. Sau này ông mới hay, vì công việc ông đang làm thuộc nhiệm vụ đặc biệt, tuyệt đối bí mật, lỡ vào chiến trường bị địch bắt thì rất nguy hiểm, ông kể.

Năm 1975, ông Đoàn Văn Diệm nghỉ hưu với cấp bậc Trung tá QĐND Việt Nam, thương binh loại 1/4. Được hưởng chế độ đãi ngộ Nhà nước, nhưng không vì thế mà ông an tâm nghỉ ngơi. Từ ngày trở về sống tại quê nghèo xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế), ông luôn gắn bó với địa phương, liên tục giữ nhiều cương vị trọng trách không chút nề hà như: Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng bộ xã, Chủ tịch MTTQ xã, Chủ tịch Hội CCB xã, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã…

Năm nay ông đã 100 tuổi và vẫn đang sống khỏe mạnh, ông xứng đáng là cây đại thụ bên phá Tam Giang, như người dân xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) vẫn tự hào về ông.

Trọng Bình