Từ năm 2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với quyết tâm tạo đột phá phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đưa Hà Tĩnh bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội. 

Đến năm 2024 này, là năm thứ ba Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển động số. Nhờ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban ngành mà đến nay, chuyển động số đã trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn toàn tỉnh.

Đơn cử như, 100% doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử; 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, Global G.A.P, OCOP,... có ứng dụng điện thoại thông minh, Internet băng rộng, sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Thu học phí tại các trường đạt 100% các đơn vị đã triển khai, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% đơn vị đã triển khai; cơ sở y tế 19/19 đơn vị đã triển khai thu viện phí.

leftcenterrightdel
 Các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân ở Hà Tĩnh tích cực hưởng ứng chuyển đổi số.

Đến tháng 6 năm 2024, có 7.112 đơn vị đăng ký sử dụng HĐĐT (trong đó có 6.447 DN, 665 HKD) số lượng HĐĐT cơ quan thuế tiếp nhận xử lý ước đạt 37.753.254 hoá đơn, có 1.135 cơ sở kinh doanh đăng ký HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền (trong đó có 631 DN, 504 HKD) số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đã xuất là 1.678.586 hoá đơn và 100% của hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.

Đảm bảo vận hành an toàn, ổn định Hệ thống khai báo, thông quan điện tử VNACCS/VCIS và các chương trình vệ tinh, 100% tờ khai đối với hàng hóa XNK được khai báo trên hệ thống thông quan tự động (từ đầu năm đến nay đơn vị đã làm thủ tục cho hơn 8121 tờ khai xuất nhập khẩu của 368 doanh nghiệp, kim ngạch đạt hơn 2,7 tỷ USD), duy trì hiệu quả đề án thu thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7; đẩy mạnh thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng thương mại; 100% phí, lệ phí được thực hiện theo phương thức điện tử, không dùng tiền mặt trong thanh toán phí, lệ phí hải quan.

Riêng trong lĩnh vực thực thi pháp luật, đến nay 100% các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng ở Hà Tĩnh đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị. Nhất là trong việc gửi, nhận văn bản điện tử; điều hành, họp trực tuyến. Nhiều cơ quan ứng dụng phần mềm chuyên ngành vào hoạt động nghiệp vụ…

Điển hình như, tại Sở Tư pháp Hà Tĩnh, đã gắn chuyển đổi số với thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật”, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã đầu tư nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Sở, trong đó xây dựng chuyên mục riêng về phổ biến giải đáp pháp luật (PBGDPL) được bố trí ở giữa giao diện Cổng thông tin với nhiều nội dung phong phú như: Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác PBGDPL; Văn bản, chính sách pháp luật mới; Tài liệu PBGDPL; Hoạt động PBGDPL ở cơ sở… Các chuyên mục này được cập nhật hàng ngày, đảm bảo tính thời sự, đồng thời bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.

Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp được liên kết với Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Trang công báo của UBND tỉnh, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ- Pháp luật và nhiều địa chỉ tìm hiểu pháp luật tin cậy khác. Trung bình mỗi năm Cổng thông tin điện tử của Sở đăng tải hơn 1.000 tin, bài, văn bản, tài liệu PBGDPL, trở thành kênh tuyên truyền pháp luật được các cơ quan, đơn vị và nhân dân theo dõi, sử dụng, khai thác khi có nhu cầu tìm hiểu về pháp luật.

Đáng chú ý, nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh xây dựng chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh việc đăng tải toàn văn các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng và đăng tải các tin ngắn, tờ gấp, tờ rơi, đĩa CD, Video, bản tin, tạp chí, hỏi đáp pháp luật, chương trình phóng sự, tọa đàm, các tin, bài viết phản ánh các hoạt động PBGDPL cũng như các quy định, phân tích pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Một số Sở, ngành xây dựng các chuyên mục PBGDPL như: Tìm hiểu pháp luật, nghiên cứu bình luận, thông tin tuyên truyền...

Ngoài ra, còn có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua mạng xã hội facebook, zalo; việc tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến…

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở Hà Tĩnh rất quan tâm đến chuyển đổi số để nâng cao công tác thực thi pháp luật.

Đối với đơn vị Công an tỉnh Hà Tĩnh, đã tập trung tham mưu, tổ chức triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi số căn bản, toàn diện, đồng bộ các hoạt động của Công an tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương, phát triển môi trường số an toàn hiệu quả phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Điển hình là trong việc thực hiện đề án 06/CP, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả; đã chỉ đạo Phòng nghiệp vụ và Công an các địa phương tích cực triển khai cài đặt ứng dụng VNEID và cài đặt định danh điện tử cho công dân.

Theo đánh giá của cấp trên, Hà Tĩnh là địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện Đề án 06, qua đó đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, đã phát huy sức mạnh của tập thể, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai thực hiện chiến dịch cấp thẻ CCCD và cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Với nỗ lực vượt bậc, Hà Tĩnh là đơn vị thứ 2 trên toàn quốc hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện và xếp thứ 4 toàn quốc về tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mở đợt "cao điểm" thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt; chỉ đạo, hoàn thành rà soát 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thực hiện chi trả cho gần 96 nghìn người, đạt tỷ lệ 90,7%.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số trên toàn địa bàn, công tác đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" luôn được lực lượng Công an Hà Tĩnh đôn đốc, kiểm tra và thực hiện hàng ngày; đến nay, về cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu trong công tác làm sạch dữ liệu.

Bên cạnh đó, cán bộ chiến sỹ các cấp trong lực lượng Công an Hà Tĩnh đang tập trung khiển khai việc số hóa hồ sơ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ tra cứu thông tin trên môi trường số, chuyển hoạt động lưu trữ theo phương thức truyền thống sang lưu trữ điện tử song hành, giảm thời gian, thủ tục hành chính trong quá trình tra cứu dữ liệu, nâng cao chất lượng công tác quản lý, lưu trữ thông tin. Nhiệm vụ được đánh giá mang ý nghĩa chiến lược, chủ động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào công tác hồ sơ.

 

 

Ngọc Mẫn