leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

Về tiến trình vụ việc nguồn nước sông Đà bị nhiễm bẩn, ông Cảm cho biết khoảng 13 giờ ngày 10/10/2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng nước trong mạng cấp sử dụng nguồn nước do Nhà máy nước sông Đà cung cấp tại khu vực quận Thanh Xuân, Cầu Giấy có mùi.

Vào 15 giờ cùng ngày Trung tâm đã kiểm tra và lấy 1 mẫu nước tại vị trí họng kiểm soát 1.200 Big C (Điểm cuối hệ thống truyền dẫn của nhà máy nước sông Đà, đồng thời là điểm đấu nối của Công ty VIWACO).

Trong ngày 11 và 12/10/2019, Trung tâm tham gia đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì và phối hợp với Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tiếp tục kiểm tra, lấy 3 mẫu nước tại nhà máy và 4 mẫu nước hộ gia đình trên địa bàn quận Thanh Xuân và Hoàng Mai.

Tổng số 8 mẫu nước tại nhà máy nước, các bể chứa trên đường truyền dẫn của Nhà máy nước sông Đà, tại mạng cấp và hộ gia đình được xét nghiệm 100 lượt chỉ tiêu.

Kết quả 8/8 mẫu nước đều không đạt về mùi và có chỉ tiêu Styren cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,3 đến 3,6 lần. Các mẫu nước hộ gia đình có hàm lượng Styren thấp hơn nước thành phẩm đầu nguồn của nhà máy.

Tiếp đến, theo ông Cảm, liên tục trong các ngày từ 14 đến 26/10, Trung tâm trực tiếp lấy mẫu nước thành phẩm của nhà máy, tại bể chứa, trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ, họng kiểm soát 1.200 Big C và các hộ gia đình thuộc 9 quận huyện sử dụng nguồn nước Sông Đà. 

Cụ thể, các mẫu nước của nhà máy: Lấy mẫu tại 4 vị trí (nước thành phẩm của nhà máy, tại bể chứa trung gian, trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ, họng kiểm soát 1.200 Big C) với tổng số 43 mẫu, thực hiện 1.058 lượt chỉ tiêu giám sát (trong đó 4 mẫu giám sát mức độ A, B, C vào 2 ngày khác nhau, các mẫu còn lại được giám sát mức độ A và Styren). 100% chỉ tiêu được giám sát đạt quy chuẩn.

Các mẫu nước hộ gia đình, Trung tâm lấy tại mạng cấp, chung cư, bể chứa và hộ gia đình trên 9 quận huyện. Tổng số 145 mẫu với 2.783 lượt chỉ tiêu (trong đó 5 mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu mức độ giám sát A, B, C và 140 mẫu xét nghiệm chỉ tiêu A và Styren). Kết quả 145/145 mẫu nước hộ gia đình có chỉ tiêu Styren đạt quy chuẩn cho phép, 5 mẫu hộ gia đình đạt 109/109 chỉ tiêu giám sát mức độ A, B, C.

“Đến nay, theo kết quả xét nghiệm liên tục của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội thì chất lượng nước của Nhà máy nước sông Đà đã đạt chuẩn, có thể dùng để ăn uống. Chúng tôi lấy mẫu ngẫu nhiên và xét nghiệm cẩn trọng ở nhiều vị trí và lấy cả ở đầu nguồn nước để có kết quả khách quan nhất mà người dân yêu cầu nhằm đem lại sự tin tưởng cho người dân khi sử dụng” – ông Cảm cho biết.

Theo ông Cảm, trong hơn 2 tuần xảy ra sự cố đối với Nhà máy nước sạch sông Đà, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã huy động lực lượng phối kết hợp với các cơ quan liên quan của UBND TP. Hà Nội ra sức thực hiện lấy mẫu để xét nghiệm xem tình trạng nước từng thời điểm cho người dân được yên tâm sử dụng. Hàng trăm mẫu nước đã được lấy trước và sau khi Nhà máy nước sông Đà xử lý làm sạch dầu thải để có sự so sánh chất lượng.

leftcenterrightdel
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đang lấy mẫu xét nghiệm 

Liên quan đến việc kiểm soát chất lượng nước, ông Cảm cho hay, hiện nay kiểm soát chất lượng nước trên địa bàn Hà Nội có hai cơ quan là Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, còn Sở Y tế chỉ có chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch. Việc giám sát này, thực chất chỉ là hoạt động chuyên môn chứ không quyết định chất lượng nước. 

Nói đến quy trình kiểm tra việc thực hiện nước sạch an toàn để cung cấp cho người dân, ông Cảm cho biết là có thực hiện nội kiểm và ngoại kiểm. Nội kiểm là đơn vị cung cấp nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch khi cung cấp cho người dân.

Lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch. Để làm điều đó, đơn vị cung cấp nước phải thực hiện xét nghiệm các chỉ tiêu như xét nghiệm 15 chỉ tiêu mức độ giám sát A (ít nhất 1 tuần/lần); Xét nghiệm 16 chỉ tiêm mức độ giám sát B (ít nhất 6 tháng/lần); Xét nghiệm 78 chỉ tiêu mức độ giám sát C (ít nhât 2 năm/lần). Đó là nội kiểm do công ty nước sạch tự làm và họ có thể ký kết với những trung tâm xét nghiệm nước do họ ký hợp đồng.

Ngoài ra còn có ngoại kiểm là do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện. Mức độ kiểm tra, xét nghiệm theo giám sát A tối thiểu 2 lần/năm, giám sát B tối thiểu 1 lần/năm và giám sát C thì 2 đến 3 năm/lần.

Tuy nhiên, ngoài các lượt kiểm tra định kỳ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội còn thực hiện các lượt kiểm tra đột xuất về vệ sinh, chất lượng nước đối với các cơ sở cấp nước còn chỉ tiêu chất lượng nước chưa ổn định.

Để kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn chất lượng nguồn nước, ứng phó kịp thời những sự cố về nước như vụ việc vừa qua, theo ông Cảm ngoài việc kiểm soát chặt chẽ khu vực đầu nguồn thì chúng ta cần phải có một hệ thống quan trắc, cảnh báo trước các nguy cơ từ đầu nguồn.

Nếu để chất ô nhiễm xâm nhập vào nhà máy thì đã muộn rồi. Khi quan trắc cần đưa ra kịch bản, nước nhiễm chất gì thì phải xử lý ra sao. Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng nên có khuyến cáo, chỉ đạo nhà máy nước phải làm việc đó chứ không phải cơ quan y tế.

Gốc rễ là phải quản lý được nguồn nước và hệ thống quan trắc. Ngoài ra, để ứng phó và theo dõi được chất lượng nước tốt hơn cần phải xây dựng được hệ thống xét nghiệm hiện đại để thực hiện nhanh chóng những biến cố bất ngờ xảy ra. 

Lê Sử