Trên đường về nhà thắp hương cho bố, nữ bác sỹ Nguyễn Thị Ninh nhận lệnh triệu hồi khẩn cấp. Gọi điện nhờ con nhỏ thắp hương thay mình, chị quay lại đơn vị khoác lên người bộ đồ bảo hộ đặc biệt để đón nhận bệnh nhân COVID-19.

Từ đó, là những ngày dài nữ bác sỹ Nguyễn Thị Ninh cùng với e-kíp của mình điều trị, “diệt” virut COVID-19 trong khu cách ly đặc biệt. 49  ngày mất của bố, chị cũng không thể về nhà thắp một nén nhang…

Đằng đẵng như thế, là chuỗi ngày e-kíp do bác sỹ Nguyễn Thị Ninh phụ trách tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Trung tâm y tế huyện Kỳ Anh – Một trung tâm y tế mới đi vào hoạt động. Ngày đầu tiên, bệnh nhân mà đơn vị này tiếp nhận là bệnh nhân dương tính với COVID-19 từ TP Hà Tĩnh chuyển vào.

leftcenterrightdel
 Ngày đầu hoạt động, bệnh nhân đầu tiên Trung tâm y tế huyện Kỳ Anh đón nhận là bệnh nhân COVID-19 (ảnh: TTYTKA).

Gác tang bố, gạt nước mắt vào khu điều trị đặc biệt

Năm 2005, khoác lên mình bộ đồ blu trắng, bác sỹ Nguyễn Thị Ninh (SN 1980) tự hứa với mình sẽ làm trọn lời thề Hippocrates khi về bệnh viện quê hương công tác. 15 năm sau, khi đã là bác sỹ chuyên khoa I, chị càng thấy trọng trách đè nặng lên vai. Ngày tháng cống hiến y đức miệt mài trôi, cho đến những ngày tháng 5/2021 – người bố thân yêu của chị trở bệnh nặng. Để rồi không qua khỏi… Dẫu đang chịu tang, chị vẫn gắng gượng gạt nước mắt đau thương để lên đơn vị điều trị cho bệnh nhân, cũng là lấy công việc khuây khỏa nỗi lòng…

Hà Tĩnh bùng dịch, bệnh viện Cầu Treo trở nên quá tải, để giảm áp lực cho các bệnh viện khác, Trung tâm y tế huyện Kỳ Anh được cấp ủy, chính quyền Hà Tĩnh lựa chọn là bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.

leftcenterrightdel
 Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm tra,chỉ đạo tại Trung tâm y tế huyện Kỳ Anh khi chọn nơi đây làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: TTYTKA).

Bác sỹ Nguyễn Thị Ninh còn nhớ như in ngày đầu tiên đơn vị có quyết định đi vào hoạt động, bệnh nhân đầu tiên tiếp nhận là bệnh nhân dương tính với COVID-19.

“13/6 đơn vị họp, nhận lệnh làm bệnh viện dã chiến đón bệnh nhân COVID-19. Ngày 14/6 có bệnh nhân, bắt buộc đón luôn. Bệnh nhân vào lúc 18h40’, từ TP Hà Tĩnh chuyển vào, là ca bệnh đầu tiên…” – Bác sỹ Ninh kể.

Trước đó, trong cuộc họp, 100% bác sỹ, y tá, điều dưỡng của đơn vị xung phong được vào khu cách ly đặc biệt để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Bác sỹ Ninh không ngoại lệ, nhưng để “chắc ăn”, sau cuộc họp nữ bác sỹ chuyên khoa I này còn gọi điện cho lãnh đạo, xin được điền tên vào danh sách bác sỹ điều trị đợt đầu.

leftcenterrightdel
 Sau cuộc họp, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Ninh gọi cho lãnh đạo Trung tâm để được làm nhiệm vụ đợt đầu tiên.

“Đơn vị biết hoàn cảnh gia đình mình, nên khi họp xong, mình gọi cho lãnh đạo xung phong đưa vào danh sách đi điều trị đợt đầu. Đây là lúc mình phải vì cộng đồng, vì sứ mệnh của mình, là bác sỹ được học hành bài bản ra, nên phải có trách nhiệm, không vì chuyện riêng gia đình mà ở ngoài nhìn đồng nghiệp vất vả” – Bác sỹ Ninh tiếp tục kể.

Được lãnh đạo đơn vị đồng ý, chị Ninh không kịp sắp xếp tư trang, vội vã chạy xe về nhà để thắp cho bố nén nhang, vì biết trước 49 ngày bố mất sắp tới sẽ phải ở lại đơn vị, vì nhiệm vụ và trách nhiệm với cộng đồng.

leftcenterrightdel
 Chiều hôm đó, bác sĩ Ninh cùng e-kip đã khoác lên người bộ đồ bảo hộ, sẵn sàng làm nhiệm vụ...

“Trưa đó, mới đi được nửa đường, đơn vị gọi điện triệu hồi về đơn vị nhận nhiệm vụ, vì có bệnh nhân dương tính sắp vào. Mình đành gạt nước mắt, gọi điện cho đứa con lớn, nhờ thắp hương thay mẹ tạ lỗi với ông, rồi quay lại đơn vị khoác lên người bộ đồ bảo hộ chờ đón bệnh nhân” – Bác sỹ Ninh nghẹn ngào.

“Xác định nghề nên chấp nhận hi sinh!”

Đây là câu nói người viết nhớ nhất, khi nghe bác sỹ Nguyễn Hồng Quân (SN 1985)– người cùng vào khu cách ly đặc biệt đợt đầu cùng bác sỹ Nguyễn Thị Ninh tâm sự.

“Bác sỹ Ninh thì gác tang cha, 49 ngày không thể về… Nhiều y bác sỹ nữa, cha mẹ già yếu, vợ trẻ, con thơ… cũng gác lại hết, xung phong vào khu điều trị COVID-19. Tinh thần ai cũng mong được cống hiến y đức, sức khỏe, vì nhiệm vụ và trách nhiệm với cộng đồng, chỉ mong được chung tay sớm dập tắt dịch bệnh” – bác sỹ Quân chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ Nguyễn Hồng Quân cùng đồng nghiệp kiểm tra hồ sơ bệnh án lúc nửa đêm trong khu điều trị đặc biệt.

Ban đầu, hầu hết các bác sỹ, điều dưỡng… vào khu điều trị đặc biệt này, đều bỡ ngỡ, tâm lý khá lo sợ, hoang mang. Một số người, ngày đầu mặc lên người chiếc áo bảo hộ cũng còn lúng túng. Có người, chỉ mấy tiếng đầu đã tưởng như không chịu nổi vì quá bức bối, nóng nực và…ngốt dưới nền nhiệt hơn 40 độ C.

Nhưng rồi tất cả qua nhanh, như bác sỹ Ninh nói: “Ngày đầu thì có lo sợ, sau thì quen, xem như điều trị bệnh cảm cúm thông thường. Quan trọng nhất là ở trong khu điều trị đặc biệt, tinh thần, ý chí anh em bác sỹ, điều dưỡng và bệnh nhân rất tốt”.

“Hầu hết, các ca trực đêm bác sỹ phải thức trắng, vì bệnh nhân ho, sốt, gọi điện liên tục. Bất kể giờ nào, bệnh nhân gọi là chúng tôi có mặt thăm khám, đưa ra chỉ định điều trị, nhất là đối với những bệnh nhân viêm phổi” – Bác sỹ Quân chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ vào thăm khám bệnh nhân trong khu điều trị đặc biệt bất kể giờ giấc.

Mà điều trị bệnh nhân COVID-19, không như điều trị bệnh nhân thông thường. Bởi hầu hết bệnh nhân vào đây ban đầu đều có tâm lý bất an, hoang mang, lo sợ. Bác sỹ ngoài việc điều trị, còn kiêm luôn cả bác sỹ tâm lý, động viên bệnh nhân, để bệnh nhân có động lực, yên tâm hợp tác trị bệnh. Không những thế, họ còn là người phục vụ, đưa cơm nước cho bệnh nhân, làm những việc không tên để giúp đỡ bệnh nhân yên tâm điều trị.

Tôi hỏi: “Vậy tiếp xúc với bệnh nhân mang trên mình virut COVID-19 mỗi giờ như vậy, bác sỹ có sợ không?”. Bác sỹ Quân trả lời ngay: “Sợ chứ, nhưng mình xác định nghề đã chọn, nên chấp nhận hi sinh. Nếu nhiễm virut, mình lại là bệnh nhân thôi!”.

Không chỉ có vậy, bác sỹ, điều dưỡng vào điều trị trong khu cách ly, mỗi ngày còn phải động viên, an ủi người thân ở nhà, như cha mẹ, vợ con... Họ rất lo lắng và thường xuyên quan tâm, hỏi han công việc, sức khỏe. Được cái, nỗi lo ban đầu ngày cũng vơi đi, đổi lại là sự quan tâm, yêu thương và niềm tự hào, vì người thân của mình là 1 “chiến sỹ” đang trực tiếp chiến đấu, diệt virut COVID-19.

Dốc toàn lực để chiến thắng COVID-19!

Cũng cần phải nói, Trung tâm y tế huyện Kỳ Anh ngày đầu nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân lực chỉ có 15 bác sỹ, kể cả lãnh đạo. Y tá, điều dưỡng có 40 người… Nhưng chỉ trong 21 ngày, đã tiếp nhận điều trị 41 bệnh nhân COVID-19.

leftcenterrightdel
 Trong 21 ngày,Trung tâm y tế huyện Kỳ Anh đón nhận điều trị 41 bệnh nhân COVID-19.

Khi nhận nhiệm vụ, lãnh đạo Trung tâm đã tập trung nhân lực hình thành 3 vòng phối hợp. Trong đó khu cách ly đặc biệt có 9 bác sỹ, điều dưỡng, hình thành 3 kíp trực luân phiên. Mỗi ca trực 12 tiếng. E-kíp ở khu điều trị đặc biệt làm nhiệm vụ 21 ngày, sau đó sẽ đổi “tua” cho e-kíp khác vào thay. E-kíp vừa hoàn thành nhiệm vụ sẽ tiếp tục được cách ly tại trung tâm 21 ngày nữa, rồi tùy tình hình thực tế sẽ có sự phân công nhiệm vụ tiếp theo.

Bác sỹ, Giám đốc Trung tâm Lê Văn Xuân cho biết: “Sau khi Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, chúng tôi có 2 ngày chuẩn bị là tiếp đón bệnh nhân ngay. Tinh thần anh em không chút lo sợ mà 100% xung phong làm nhiệm vụ, kể cả người không phải quân số trung tâm cũng có đơn xin vào làm nhiệm vụ ở khu điều trị”.

leftcenterrightdel
 Một cuộc họp hội chẩn tại phòng chỉ huy của tập thể y bác sĩ Trung tâm y tế huyện Kỳ Anh.

“Hàng ngày, ngoài bộ phận trực tiếp điều trị, các bộ phận khác đều phối hợp đồng bộ, dưới sự điều hành của 1 đồng chí Phó giám đốc.  Các nhiệm vụ về y tế khác của Trung tâm vẫn thực hiện bình thường” – Giám đốc Lê Văn Xuân tiếp tục.

Đặc biệt, Trung tâm y tế non trẻ này ngay từ đầu đã có sự hỗ trợ về nhân sự chuyên môn từ Bệnh viện đa khoa tỉnh, với 4 bác sỹ vào túc trực vòng ngoài, sẵn sàng phối hợp hội chẩn, kịp thời đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Mới đây, 1 e-kíp bác sỹ từ Bệnh viện Lao cũng vào hỗ trợ.

leftcenterrightdel
 PGĐ Trung tâm, bác sĩ CKI Hồ Giang Nam luôn túc trực tại nhiệm sở.

Trực tiếp chỉ huy khu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, là Phó Giám đốc Trung tâm, bác sỹ CKI Hồ Giang Nam – người ở vòng ngoài nhưng 21 ngày qua luôn túc trực tại phòng chỉ huy.

“Một hai ngày đầu thì cũng khó khăn, vất vả. Nhưng sau đó thì hệ thống vận hành đồng bộ, nhịp nhàng. Chúng tôi kết nối với nhau từng phút, từng giờ, qua hệ thống công nghệ như điện thoại, nhóm zalo... Đặc biệt là qua hình ảnh camera giám sát ngay trên bàn làm việc của tôi. Rồi qua hệ thống loa phóng thanh của tất cả các tầng… Có việc gì là kịp thời hội chẩn, xử lý ngay” – Bác sỹ Hồ Giang Nam cho biết.

leftcenterrightdel
 Giám sát quá trình thăm khám, điều trị và hoạt động trong khu điều trị đặc biệt qua hệ thống camera.

Cũng xin nêu ra con số, để thấy được hiệu quả điều trị bệnh nhân COVID-19 tại đây: 41 bệnh nhân đã tiếp nhận trong 21 ngày, có đến 1/3 số đó diễn biến viêm phổi. Đến nay ngoài 14 bệnh nhân xin chuyển tuyến, đã có 13 bệnh nhân qua điều trị cho kết quả âm tính. Trong đó: 10 bệnh nhân âm tính lần 1; 3 bệnh nhân âm tính lần 2, 3.

“Có bệnh nhân âm tính lần 4, có thể ra viện rồi, nhưng theo quy định phải đủ 21 ngày điều trị mới được xuất viện. Nên bệnh nhân này và các bệnh nhân âm tính tương tự sẽ ra viện trong nay mai” – Bác sỹ Nam cho biết.

leftcenterrightdel
 Những đôi mắt tự tin, ánh lên niềm tin chiến thắng COVID-19 của e-kíp y, bác sĩ điều trị tại Trung tâm y tế huyện Kỳ Anh.

Để có kết quả này, theo bác sỹ Nam là kết quả của sự phối hợp đồng bộ từ trên xuống dưới, là hiệu quả đúc rút kinh nghiệm ở các bệnh viện đã điều trị COVID-19 trên toàn quốc, y bác sỹ nơi đây chú tâm tìm hiểu, học hỏi và áp dụng vào thực tiễn điều trị tại Trung tâm để cho hiệu quả tốt nhất.

Lúc người viết mở máy gõ bài này, thì e-kíp thứ 2 đã vào thay “tua”. Hỏi những người vừa làm xong nhiệm vụ, đều nhận được câu trả lời: “Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, bệnh nhân COVID-19 còn tiếp tục vào, thì sau 21 ngày cách ly, chúng tôi sẽ tiếp tục xung phong vào khu điều trị làm nhiệm vụ”.

 

Bùi Tiến