Đây là thông tin được đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 cho biết về đặc điểm tình hình đợt dịch này tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV-2) diễn ra sáng nay (ngày 3/2).
|
|
Theo Ban Chỉ đạo, đến thời điểm hiện tại có thể yên tâm với tình hình các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội. Ảnh: VGP |
Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Hải Dương khẳng định đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ...Đặc biệt là 2 ca ở Cẩm Giàng và Ninh Giang (ghi nhận ngày 2/2) chưa tìm thấy mối liên hệ. Hiện, Hải Dương đang tập trung khẩn trương truy vết, tìm nguồn gốc 2 ca này.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo tỉnh này cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã truy vết hơn 74.000 trường hợp; hiện Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm các trường hợp F1, hiện đã ghi nhận 42 ca dương tính. Đến thời điểm hiện tại Quảng Ninh khẳng định đã kiểm soát được ổ dịch ở Sân bay Vân Đồn. Đáng chú ý, tối qua tại thành phố Hạ Long đã phát hiện 3 ca dương tính. Các trường hợp này tỉnh phát hiện qua thí điểm xét nghiệm sàng lọc;
Còn với TP. Hà Nội, tính từ ngày 28/1 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 21 ca dương tính mắc ngoài cộng đồng. Hiện đáng lo ngại nhất ca công chứng viên mắc COVID-19 ghi nhận ngày hôm qua có lịch trình di chuyển khá phức tạp, đến cả một số địa phương khác.
Hiện Hà Nội cũng đang đẩy mạnh điều tra, xét nghiệm. Tổng số 653 trường hợp F1 đều đã được xét nghiệm, (trừ số 22F1 phát hiện mới ngày hôm qua), tất cả F1 đều được cách ly tập trung. Hà Nội cũng tiến hành giám sát chặt chẽ các trường hợp F2 cách ly tại nhà…Đồng thời, đã nâng cao 1 mức công tác phòng, chống dịch; tạm dừng một số hoạt động không cần thiết (quán bar, vũ trường, quán game, internet…); điều chỉnh quy mô lễ hội; yêu cầu toàn bộ công an xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; tập trung lấy mẫu và xét nghiệm tất cả các trường hợp F1, F2.
Đặc biệt, đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 cho biết, các trường hợp lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc gần, chu kỳ xoay vòng nhanh (3-4 ngày), tải lượng virus cao, đáng chú ý các trường hợp lây nhiễm đều không đeo khẩu trang;…
Công tác chống dịch tại các địa phương trên toàn quốc đã cơ bản bắt kịp tình hình dịch, tỉ lệ rủi ro dịch bệnh đã giảm xuống, trừ Bình Dương, Gia Lai (trước đây chúng ta mất 1 tuần mới bắt kịp tình hình dịch, bây giờ sau 3 ngày đã bắt kịp tình hình dịch).
Đồng thời khẳng định, đến thời điểm hiện tại có thể yên tâm với tình hình các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh hiện đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng; chú trọng phong toả nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.
Xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1 và vừa thực hiện truy vết, đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại khu vực lây nhiễm cộng đồng. Tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả các trường hợp đều âm tính...
Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả những người đi qua vùng dịch và đi từ vùng dịch về phải khai báo y tế và xử lý ngiêm nhưng đối tượng trốn khai báo y tế. Trước hết, đề nghị các nhà mạng lớn cắt thuê bao vĩnh viễn đối với các trường hợp cố tình trốn khai báo y tế (sau khi đã nhắn tin nhắc nhở). Đồng thời, Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị, Chính phủ quy định bắt buộc khai báo y tế toàn dân.
Về tình hình bệnh tại Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin thêm, tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, đây là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn… Đây là cũng khu vực chưa bao giờ xảy ra dịch, nên kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng chống có sự lúng túng, hệ thống y tế của địa phương còn yếu.
Ông cũng cho biết, Bộ Y tế đã cử các đoàn vào cắm chốt tại Gia Lai. Sáng nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các chuyên gia của bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy vào hỗ trợ tỉnh. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai.
|