Cụ thể, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay (ngày 2/2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngay khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, ngành Y tế lập tức chia làm 3 mũi triển khai. Mũi thứ nhất là lực lượng trực tiếp phát hiện, cách ly. Mũi thứ hai là lực lượng chuẩn bị cơ sở phục vụ điều trị.
Hiện nay, các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương đã chuẩn bị trước bệnh viện dã chiến, nơi điều trị COVID-19 cho kịch bản lên tới hàng trăm ca mắc. Mũi thứ ba tập trung điều tra, dự đoán và phán đoán tình hình.
|
|
Theo Phó Thủ tướng, ổ dịch ở sân bay Vân Đồn và ổ dịch ở TP. Chí Linh đã cơ bản khống chế tốt. (Ảnh:VGP) |
“Công tác phòng, chống dịch quyết liệt nhưng đúng mức, để thực hiện mục tiêu kép.”- Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời nhấn mạnh, trong đợt chống dịch lần này, chúng ta xác định đúng ổ dịch, ra quân cấp tốc ngay trong đêm, không chậm một giờ phút nào nên cơ bản đã khoanh vùng được dịch. Có nhiều cách làm sáng tạo của lực lượng phòng, chống dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh và cả Hà Nội. "Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn thì chúng ta phải nhanh hơn nữa”- Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, đến giờ phút này có thể nói, ổ dịch ở sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và ổ dịch ở TP. Chí Linh, Hải Dương đã cơ bản khống chế tốt. Còn đối với Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đến hết hôm nay (2/2) sẽ xét nghiệm xong toàn bộ những người đến từ vùng dịch, nếu không có gì đột biến thì tình hình cũng đã kiểm soát được.
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về việc áp dụng bắt buộc khai báo y tế đối với toàn dân. Những trường hợp trốn khai báo y tế phải xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự để răn đe, nâng cao ý thức cho cộng đồng.
Các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt việc bắt buộc đeo khẩu trang.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý chính quyền địa phương, lực lượng công an bên cạnh việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, thực hiện truy vết thì cần nắm được thông tin, tuyên truyền, vận động những người dân có người thân ở nước ngoài và cam kết nếu về thì bằng đường hợp pháp. Mọi người dân cần thông báo cơ quan chức năng khi phát hiện người từ nước ngoài về hay người về từ vùng dịch không khai báo.
“Có thực hiện nghiêm túc vấn đề này thì chúng ta mới đảm bảo được an toàn phục vụ sản xuất, phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
|
|
Theo ông Thuấn, chủng mới lây lan nhanh hơn các lần trước, lây qua không khí, không riêng gì tiếp xúc gần. Ảnh : Nguyễn Anh |
Còn tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, trong số những ca bệnh ở Hải Dương, bệnh nhân 1660 được Bộ Y tế chỉ đạo phân tích, qua đó khẳng định, bệnh nhân 1660 đã mắc chủng mới lây lan nhanh. Điều đó, gây ra quan ngại rằng, dịch bệnh lần này dễ lây lan và nhanh hơn các lần trước, lây qua không khí, không riêng gì tiếp xúc gần.
Để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, dập dịch triệt để, không để bùng phát trên diện rộng, ông Thuấn cho biết, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai triệt để Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/1 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo 22/TB-VPCP, thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh hiện đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng, chú trọng thực hiện phong toả nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.
Ngoài ra, các địa phương chủ động xây dựng phương án chống dịch, tổ chức diễn tập, tập huấn về công tác phòng, chống dịch; sẵn sàng phương tiện, thuốc, vật tư chống dịch, không để bị động, bất ngờ khi có ca bệnh trên địa bàn....