leftcenterrightdel
 

Ngay sau sự cố sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67, lực lượng cứu hộ, cứu nạn gồm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện đã khẩn trương mở đường, tiếp cận tới vị trí sạt tìm kiếm những người mất tích.

Cùng với đó, “hậu phương vững chắc” phía sau các chiến sĩ, lực lượng chức năng đã lập 2 bếp ăn dã chiến ngay tại sân trường tiểu học Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng đã lập 2 bếp ăn dã chiến ngay tại sân trường tiểu học Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Thấy anh em bộ đội vất vả, nhiều chị em phụ nữ góp từng bao gạo, giỏ rau vào 2 gian bếp dã chiến của lực lượng quân đội thuộc Quân khu 4 dựng sẵn tại đây. Những người phụ nữ này còn cùng với các chiến sĩ nấu ăn, góp một phần sức nhỏ cho bộ đội trong công cuộc tìm kiếm người bị nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.

 
leftcenterrightdel
 Bếp ăn dã chiến được người dân dựng tại trường tiểu học Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), nguồn thực phẩm được quyên góp từ "cây nhà lá vườn".

Bà Trần Thị Diệu (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, thấy các chiến sĩ vất vả, mưa gió lũ lụt mua thức ăn cũng khó khăn nên nhóm chị em trong hội phụ nữ xã Phong Xuân cùng người dân 2 xã Phong Xuân, Phong Mỹ đã tình nguyện mang lương thực, tổ chức nấu cơm tặng các chiến sĩ đang làm công tác cứu hộ cứu nạn.

"Mới phát động nhưng sáng nay có chị chở gạo, người chở đu đủ, rau muống, có cả gà vịt,… ai có gì mang đến cái đó cho các chiến sĩ. Nhiều chị em tranh thủ đến phụ giúp nấu ăn, đóng gói và chuyển các phần cơm cho các chiến sĩ. Có hơn 20 phụ nữ có mặt tại gian bếp thuộc xã Phong Xuân và nhiều xã lân cận địa phương này đến để phụ giúp. 2 gian bếp dã chiến phục vụ khoảng 100 suất ăn mỗi ngày, trong đó có những suất ăn cho sư đoàn 968 của Quân khu 4.” – Bà Diệu cho hay.

leftcenterrightdel
 Thấy anh em bộ đội vất vả, nhiều chị em phụ nữ góp từng bao gạo, giỏ rau vào 2 gian bếp dã chiến của lực lượng quân đội thuộc Quân khu 4 dựng sẵn tại đây. 

Không chỉ góp vật phẩm, nhiều chị em còn mang xoong nồi, bếp, các dụng cụ để hỗ trợ lực lượng hậu cần. Có chị nghỉ làm tới phụ làm rau, gọt quả, nấu cơm, xào thịt... Mỗi người một tay, chỉ trong buổi sáng hơn 100 suất cơm được đóng hộp sạch sẽ, ngăn nắp chuyển đến các chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Từ mờ sáng, bà Nguyễn Thị Tám (80 tuổi) cũng bắt con gà mái, ra vườn hái thêm vài trái đu đủ còn sót lại sau mưa lũ đem đến Trường Tiểu học Phong Xuân, nơi có đoàn bộ đội đang đóng quân để ủng hộ.

leftcenterrightdel
 Không chỉ góp vật phẩm, nhiều chị em còn mang xoong nồi, bếp, các dụng cụ để hỗ trợ lực lượng hậu cần. Có chị nghỉ làm tới phụ làm rau, gọt quả, nấu cơm, xào thịt... 

Cơn bão số 5 vừa qua đã làm ngôi nhà của bà bị sập mái. Hai ông bà không tự sửa được, con cái lại ở xa may nhờ có dân quân địa phương và bộ đội đến giúp nên hai vợ chồng bà mới có chỗ trú mưa nắng mấy hôm nay.

“Khi mình hoạn nạn thì bộ đội đến giúp, giờ nghe tin bộ đội gặp nạn, tôi mang con gà đến ủng hộ, động viên giúp các chú bộ đội sớm tìm được người mất tích…” bà Tám nói.

leftcenterrightdel
 Người dân xã Phong Xuân mang rau xanh, góp công sức, đỏ lửa nấu ăn tiếp sức cán bộ, chiến sĩ .

Sau trận lụt, dù công việc dọn dẹp nhà cửa vẫn bộn bề nhưng chị Văn Thị Nhàn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn tạm gác lại, cùng các chị em trong xã đóng góp một phần công sức hỗ trợ công tác hậu cần trong công cuộc tìm kiếm người mất tích ở Rào Trăng 3.

“Nghe tin dữ sạt lở tại thủy điện tiếp sau đó lại nhận được tin đoàn công tác cũng gặp nạn, ai cũng đau lòng nhưng không biết làm gì ngoài cầu nguyện cho những người may mắn sống sót. Khi biết có bếp ăn dã chiến, chị em cũng bảo nhau qua hỗ trợ phần công sức nhỏ.

Cũng xót xa vì người đã mất nhưng nhìn cảnh hàng trăm bộ đội đang lặn lội rừng núi nguy hiểm, tôi lại thấy thương các. Mong sao cho trời không còn mưa to, để công tác tìm kiếm thuận lợi, sớm tìm thấy và các chú ấy sớm về với gia đình, vợ con…”, -  vừa nhanh tay đảo đều nồi thịt chị Nhàn vừa tâm sự.

Chung tay với người dân Phong Xuân, Trường Tiểu học Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) huy động tất cả các giáo viên, cán bộ, công nhân viên của trường đến túc trực tại các bếp lửa ở Sở chỉ huy tiền phương Phong Xuân để nấu ăn, lo công tác hậu cần tiếp sức cho đoàn tìm kiếm, cứu nạn.

Nhiều người dân còn sắp xếp chỗ ăn ở miễn phí cho người thân của các nạn nhân mất tích để ngóng đợi tin tức.

leftcenterrightdel
 Phụ nữ Phong Xuân hỗ trợ bộ đội nấu ăn, lo công tác hậu cần.

Trung tá Mai Văn Thanh - Phó Đồn trưởng, Tham mưu Trưởng Đơn vị Công binh 414, Bộ tư Lệnh Quân khu 4, bày tỏ: “Sau khi khi đơn vị hành quân thực hiện nhiệm vụ được bà con xã Phong Xuân rất nhiệt tình giúp đỡ. Dù gặp nhiều khó khăn sau bão lũ nhưng bà con vẫn mang bó rau, quả mướp đến cho bộ đội ăn để lấy sức thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ chiến sĩ sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt đảm bảo an toàn”.

Mất mát của người dân miền trung sau trận lụt là điều mà hàng triệu trái tim người Việt đang hướng về. Nhưng nỗi đau lớn hơn thế lại nằm ở vùng rừng núi thuộc khu vực thủy điện Rào Trăng 3, nơi vừa xảy ra trận lở núi khiến hàng chục người mất tích, trong đó có 13 cán bộ, lãnh đạo và chiến sĩ bộ đội đang đi cứu nạn, cứu hộ những công nhân làm thủy điện bị sạt lở núi vùi lấp.

Chiều tối ngày 15/10, tin từ vùng rừng dữ vẫn liên tục báo về. Lực lượng chức năng đã tìm thấy được thi thể của 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại rừng tiểu khu 67 xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế và đưa về.

Mảnh đất cố đô Huế lại đổ mưa tầm tã. Nước mắt hòa lẫn màn mưa, tiếc thương cho những con người đã nằm lại đất mẹ mãi mãi…

 

Lê Tâm