Ngày 24/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức buổi họp báo  thông tin một số nội dung liên quan đến tình hình thiên tai, ứng phó với mưa lũ (từ 18 – 21/10) và bão số 8 trên địa bàn 

Báo cáo tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bá Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh cho biết, do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa kết hợp với rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới nên toàn tỉnh có mưa, mưa vừa, mưa to đến mưa rất to. Đặc biệt đợt mưa này xuất hiện lượng mưa 24h lớn nhất từ trước đến nay (mưa đặc biệt to) tại thành phố Hà Tĩnh từ 12h ngày 18/10 đến 12h ngày 19/10 là 884 mm.

Mưa lũ đã khiến 6 người chết, có 118 xã phường, thị trấn của 11 huyện thành phố bị ngập lụt với 42.456 hộ dân/ 151.288 người bị ảnh hưởng, đặc biệt là huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh.

leftcenterrightdel
 Mưa lũ đã khiến 6 người chết, có 118 xã phường, thị trấn của 11 huyện thành phố bị ngập lụt với 42.456 hộ dân/ 151.288 người bị ảnh hưởng, đặc biệt là huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh.

Tài sản của nhân dân tại các xã bị ngập sâu, thiệt hại rất lớn. Cùng với đó, có 132 ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu, 2.317 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại. 40 trạm y tế, 1 bệnh viện bị ngập lụt, hư hỏng nghiêm trọng; nhiều hóa chất, thuốc men, trang thiết bị bị thiệt hại, đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên.

Một số công trình giao thông bị hư hỏng nặng như cầu Trốc Vạc Hương Sơn; cầu Kỳ Thượng và cầu Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh); cầu Hương Bình (huyện Hương khê); mặt đường Nguyễn Huy Lung TP Hà Tĩnh và một số tuyến tỉnh lộ, huyện lộ bị hư hỏng nghiêm trọng.

Liên quan về quy trình vận hành, xả lũ của hồ Kẻ Gỗ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh Nguyễn Bá Đức cho hay, trong những ngày mưa lớn, tổng lượng mưa tại hồ từ ngày 15/10 đến ngày 21/10 là 1.249 mm; tổng lượng nước đến 280 triệu m3; lưu lượng nước đến hồ lớn nhất 2.539 m3/s (đạt lúc 4h ngày 19/10/2020).

Mực nước hồ tại thời điểm mở tràn 13h ngày 18/10 là +30,70m, tương đương dung tích hồ 293,2 triệu m3, mực nước tại thời điểm cao nhất (lúc 11h30 ngày 19/10) trong quá trình xả lũ +33,80m, tương đương dung tích hồ là 384 triệu m3.

Mưa lớn, nước về hồ lên nhanh, vượt qua ngưỡng tràn. Để đảm bảo an toàn, từ 9-10h ngày 19/10, hồ Kẻ Gỗ đã xả tràn với lưu lượng lớn 1.060m3/s.

leftcenterrightdel
 Tài sản của Nhân dân tại các xã bị ngập sâu, thiệt hại rất lớn. Cùng với đó, có 132 ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu, 2.317 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại.

Như vậy, trong quá trình điều tiết vừa qua, hồ Kẻ Gỗ đã tham gia chậm lũ cho hạ du với dung tích khoảng 200 triệu m3. Hiện tại, bắt đầu từ lúc 21h ngày 23/10/2020 hồ xả với lưu lượng 150 m3/s không ảnh hưởng đến hạ lưu.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh, nguyên nhân ngập lụt do cường độ mưa lớn, tập trung liên tục thời gian rất ngắn tại vùng hạ du hồ và bên trong lòng hồ Kẻ Gỗ. Trong khi đó, ngày 19/10, lượng mưa vùng biển lớn, kèm theo thủy triều dâng khiến thoát lũ chậm nên ngập nặng.

Trước tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, các lực lượng vũ trang đã huy động 4.036 cán bộ chiến sỹ, 4.402 dân quân tự vệ và hàng trăm tàu, xuồng, phương tiện các loại xuống giúp sơ tán, cứu hộ, cứu trợ Nhân dân vùng lũ.

Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. UBND tỉnh cũng đã huy động 16.068 thùng mì tôm, 20.343 két nước uống, 20 tấn gạo, 600 thùng lương khô cho nhân dân, 500 rọ thép, 3.000 bao tải và 5.000m2 vải lọc để xử lý sự cố công trình kè Cẩm Nhượng. UBND tỉnh đã phân bổ 11 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục mưa lũ. Các loại thuốc chữa bệnh, tiêu độc khử trùng, xử lý nước uống được cung cấp kịp thời cho nhân dân.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Bá Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh phát biểu tại buổi họp báo.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn thay mặt lãnh đạo tỉnh chia sẻ sâu sắc với những mất mát, thiệt hại nặng nề của Nhân dân vùng lũ, nhất là các gia đình có người bị nạn.

Trong thiên tai mưa lũ xảy ra ác liệt, Nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, hội, đoàn thể Trung ương. Nhân dân cả nước đã quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ cho Hà Tĩnh cả về tinh thần và vật chất trong lúc hoạn nạn, khó khăn.

leftcenterrightdel
 Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng việc điều hành xả tràn hồ Kẻ Gỗ dựa trên căn cứ khoa học.

Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá nguyên nhân gây ngập lụt ở Hà Tĩnh vừa qua do mưa lớn lịch sử kết hợp với triều cường dâng, cơ sở hạ tầng làm chậm thoát lũ. Hồ Kẻ Gỗ đã giúp cắt lũ 200 triệu m3/s cho vùng hạ du. Việc điều hành hồ Kẻ Gỗ xả tràn đều có căn cứ khoa học, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và lãnh đạo tỉnh là người chịu trách nhiệm cao nhất. 

Trong thời gian tới, để sớm ổn định cuộc sống của người dân, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các biện pháp ứng cứu và khắc phục hậu quả mưa, lũ, thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại, tổ chức mai táng chu đáo những người chết. Đồng thời, cứu trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nước sạch sinh hoạt, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo cho nhân dân trú ngụ an toàn nơi sơ tán khi bão đổ bộ vào.

 

 

 

 

Bá Thanh - Lê Tâm