Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến 17 giờ 30 ngày 31/10, mưa lũ và bão số 9 đã làm 229 người chết và mất tích.
Cụ thể, bão số 9 làm 79 người chết, mất tích. Trong đó, hai người chết và mất tích do lũ; 45 người chết và mất tích do sạt lở đất; 23 người chết và mất tích do bão; chín người do nguyên nhân khác.
Trước đó, mưa lũ từ ngày 6 đến 21/10 làm 150 người chết, mất tích. Trong đó, 65 người chết và mất tích do lũ; 64 người do sạt lở đất; tám người do sự cố tàu trên biển; 13 người do các nguyên nhân khác.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự số thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, bão số 9 làm 56 phương tiện bị chìm, trong đó, Quảng Nam một tàu, Bình Định 20 tàu, Quảng Ngãi: 27 tàu, Phú Yên tám tàu. Bão còn làm tám phương tiện khác bị trôi dạt.
Bão làm sập 216 nhà và tốc mái 69.395 nhà. Trong đó, các địa phương chịu thiệt hại nặng nhất là Quảng Nam 121 nhà sập, 3.979 tốc mái; Quảng Ngãi 29 nhà sập, 61.941 nhà tốc mái; Bình Định 63 nhà sập, 2.820 nhà tốc mái.
Bão số 9 làm ngập 48 xã thuộc bảy huyện ở Nghệ An, 35 xã thuộc tám huyện, thị xã, thành phố ở Hà Tĩnh, bảy xã thuộc bốn huyện ở Thừa Thiên Huế.
Bão làm trôi hai cầu ở Kon Tum, ngập hai cầu ở Quảng Trị; gãy 43 trụ điện ; sạt lở 239m kè và 14 km bờ biển; làm hư hỏng 154.2 ha nuôi trồng thủy sản ở Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, 2.687 ha hoa màu ở Bình Định...
*Trước dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia về tình hình siêu bão Goni sẽ đi vào Biển Đông vào ngày 2/11 tới và có nguy cơ đổ bộ vào các tỉnh mền Trung, ngày 31/10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo Trung ương) đã có công điện do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường ký yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó với bão.
Cụ thể, công điện yêu cầu tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số: 1500/CĐ-TTg ngày 28/10/2020, 1503/CĐ-TTg ngày 29/10/2020 và Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 30/10/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống người dân, kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn công trình xung yếu.
Song song công tác cứu nạn, khắc phục hậu quả, Ban chỉ đạo Trung ương cũng yêu cầu các đơn vị nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Ban chỉ đạo Trung ương cũng đặc biệt lưu ý việc giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Đồng thời hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển; lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ.
"Các bộ, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở" - công điện yêu cầu.