Phóng viên: Ông có thể cho biết, sự chuẩn bị của nhà trường về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay?.
PGS,TS. Hà Huy Phượng: Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất gắn với các công nghệ đột phá như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại - ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, công nghệ di động, phân tích dữ liệu lớn…
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Thực tiễn báo chí - truyền thông thế giới cũng như trong nước phát triển sôi động đã tác động không nhỏ đến môi trường đào tạo. Nhà trường đã chỉ đạo các khoa đào tạo báo chí - truyền thông đầu tư đổi mới, cải tiến chương trình, phương pháp, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Cụ thể, trong 3 năm gần đây, chúng tôi đã chỉnh sửa, xây dựng mới đến 3 khung chương trình đào tạo và cuối cùng lựa chọn chương trình đào tạo hệ đại học báo chí theo hướng tích hợp trên cơ sở chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Đây là xu hướng đào tạo hiện đại mà các nước tiên tiến đang áp dụng.
Nhà trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật - công nghệ hiện đại phục vụ đào tạo thực hành về báo chí - truyền thông. Với dự án được Chính phủ đầu tư gần 70 tỉ đồng, đến nay Học viện Báo chí và Tuyên truyền có được hệ thống phòng học sản xuất báo in, ảnh báo chí, studio sản xuất chương trình phát thanh, trường quay ảo sản xuất chương trình truyền hình, phòng sản xuất đa phương tiện.
Không những thế còn chú trọng đầu tư cho đào tạo ở trình độ thạc sĩ các chuyên ngành như: Báo chí học, Phát thanh, Truyền hình và Báo mạng điện tử; chuyên ngành Quản lý báo chí - Truyền thông, Quản lý Phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử…
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của sinh viên báo chí đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
PGS,TS. Hà Huy Phượng: Thế hệ sinh viên 9X và 2K may mắn sinh ra trong kỷ nguyên phát triển của kỹ thuật - công nghệ số, chính vì vậy, sinh viên đã nắm bắt, tiếp cận và làm chủ kiến thức, kỹ năng về báo chí - truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 rất nhanh. Họ cũng thuộc thế hệ “công dân toàn cầu” nên trình độ ngoại ngữ khá tốt, chủ động với cái mới, môi trường xã hội mở.
Tôi tin là thế hệ sinh viên thế kỷ 21 sẽ có nhiều đột phá, trong đó có sinh viên học ngành Báo chí - truyền thông.
Phóng viên: Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một nhà báo ngoài kiến thức tốt còn phải thành thạo nhiều kỹ năng làm báo. Vậy, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có đáp ứng kịp với xu thế chưa, thưa ông?
PGS,TS. Hà Huy Phượng: Cách đây khoảng 10 năm, trong nhà trường, chúng tôi đã sử dụng thuật ngữ “nhà báo đa năng” và “nhà báo đa phương tiện”. Trước đây, phần lớn người học báo chí chỉ nghĩ mình tốt nghiệp ra trường sẽ làm phóng viên và viết báo. Bây giờ, chúng tôi chú trọng nhiều trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng hơn cho sinh viên.
Ngay từ năm thứ nhất, bên cạnh những kiến thức nền tảng về chính trị, văn hóa, báo chí - truyền thông, sinh viên đã được học kỹ năng viết cho báo in với các thể loại như: tin, bài phản ánh, phóng sự, bình luận; học kỹ năng chụp ảnh báo chí.
Từ năm thứ hai trở đi, sinh viên được học các kỹ năng sản xuất sản phẩm nhật báo, tuần báo và tạp chí in; kỹ năng sản xuất đồ họa (tĩnh và động), audio và video cho phát thanh và truyền hình hoặc kỹ năng sáng tạo sản phẩm báo chí đa phương tiện cho báo mạng điện tử. Như đã nói ở trên, nhà trường có đầy đủ các phòng học thực hành sản xuất các sản phẩm báo chí như một đơn vị báo chí thực thụ. Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí ở bên ngoài chưa được đầu tư hiện đại như vậy.
Các thầy, cô giáo cũng buộc phải tiếp cận nhanh với phương thức làm báo hiện đại bằng việc đi học các khóa đào tạo về sử dụng công nghệ làm báo mới có thể giảng dạy được. Nhiều giảng viên của các khoa đào tạo báo chí - truyền thông còn tham gia đào tạo tại chỗ cho các cơ quan báo chí về kỹ năng làm báo đa phương tiện như: Kỹ năng viết, chụp ảnh báo chí, làm đồ họa thông tin (infographic), làm audio clip, video clip; làm báo mobile; quản trị tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện; phát triển các dịch vụ gia tăng trong tòa soạn báo điện tử…
Phóng viên: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tạo ra nhiều kẽ hở trong pháp lý. Vì thế, việc đào tạo sinh viên có kiến thức pháp luật trong công cuộc này được đặt ra như thế nào?
PGS,TS. Hà Huy Phượng: Không phải đợi đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chúng tôi mới quan tâm đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong khâu đào tạo. Chúng tôi đã đưa vào chương trình đào đào tạo môn học “Luật pháp và đạo đức báo chí” từ lâu. Ngoài môn học chính về vấn đề này, trong nội dung môn học nào liên quan đến kiến thức, kỹ năng tác nghiệp báo chí, chúng tôi cũng đều lồng ghép vấn đề luật pháp và đạo đức nghề nghiệp để giảng dạy.
Kỹ thuật - công nghệ cao phát triển thì lại càng đòi hỏi người học và người làm nghề phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, bởi khả năng lan truyền thông tin nhanh sẽ kéo theo hệ quả khôn lường. Sản phẩm báo chí vì mục đích tư lợi sẽ mang lại hậu quả nhiều hơn là hiệu quả, do đó, chúng tôi đề cập với các học trò nhiều hơn vấn đề này khi học và hành nghề.
Phóng viên: Về phương diện chuyên môn cụ thể, theo ông, để một tờ báo điện tử thu hút được nhiều độc giả, các Tòa soạn báo cần chú ý những vấn đề gì?
PGS,TS. Hà Huy Phượng: Các tòa soạn cần chú ý đầu tư cho nội dung, hình thức và kỹ thuật. Đây là 3 “chân kiềng” giúp cho tờ báo mạng vững chãi.
Tờ báo mạng điện tử được ví giống như là một “nồi lẩu”. Với những tính năng kỹ thuật - công nghệ hiện đại, nó cho phép chứa đựng đa dạng nội dung thông tin và hình thức biểu đạt. Nói như vậy không có nghĩa là tờ báo phải tổ chức nội dung thập cẩm, vụn vặt, chứa nhiều thông tin tạp, xấu, giả hơn là thông tin “tinh”. Tiếc là, bây giờ nhiều tờ báo mạng và trang thông tin điện tử lại mắc lỗi này, gây ảnh hưởng đến uy tín của nền báo chí nước nhà.
Về mặt nội dung, các tòa soạn báo mạng điện tử cần chú trọng thông tin thời sự, cập nhật, khách quan, chân thật, bổ ích và nhân văn bằng những vấn đề quan trọng và thú vị của cuộc sống.
Về hình thức, cần thiết kế giao diện đơn giản, hiện đại, công chúng dễ tiếp nhận thông tin. Cần sử dụng đa mã ngôn ngữ để biểu đạt thông tin, nhất là về hình ảnh (chụp, đồ họa, video), âm thanh và các chương trình tương tác trực tuyến.
Các tòa soạn cũng cần tăng cường các dịch vụ xã hội tiện ích trên sản phẩm báo mạng điện tử và cần tận dụng tối đa các ưu việt của mạng xã hội để quảng bá sản phẩm báo chí, mở rộng phạm vi, phương tiện để thu hút công chúng và tăng nguồn thu trong hoạt động kinh tế báo chí.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Lê Sử (thực hiện)