Liên quan tới vụ cô gái 22 tuổi là mẹ đơn thân tử vong sau khi nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ hoạt động "chui" ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, mới đây Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can: Nguyễn Sỹ Giang (SN 1995), trú xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; Lê Ngọc Anh (SN 1990), trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên; Hoàng Minh Phong (SN 1994), trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình để điều tra về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Điều 315 BLHS năm 2015.

leftcenterrightdel
 3 bị can Giang, Phong, Anh vừa bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. 

Về vấn đề này, LSTS. Luật gia Lê Trọng Hiền - Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) có những chia sẻ như sau:

Thẩm mỹ viện hoạt động trái phép bị xử lý như thế nào?

Theo LSTS. Luật gia Lê Trọng Hiền - Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), hiện nay, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ rất cao. Việc sử dụng dịch vụ của các thẩm mỹ viện ngày càng nhiều. Với mức lợi nhuận khổng lồ, không ít các cơ sở thẩm mỹ viện trái phép đã mọc lên nhằm thu lợi từ người dùng; gây ra không ít hậu quả đáng tiếc.

Về góc độ pháp lý, theo khoản 6, Điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động trái phép có thể bị phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng theo khoản 7, Điều 39, Nghị định 117.

Thẩm mỹ viện "chui" làm chết người bị phạt tù bao nhiêu năm?

LSTS. Luật gia Lê Trọng Hiền cho biết, ngoài chế tài xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời gian hoạt động, các cơ sở này gây ra hậu quả chết người; hoặc tổn thương về sức khỏe của những khách hàng đến thực hiện dịch vụ; thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315, Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Mức phạt đối với người trực tiếp làm chết người tại thẩm mỹ viện "chui" là gì?

leftcenterrightdel
 LSTS. Luật gia Lê Trọng Hiền - Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Trường hợp người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ làm chết người thì tùy theo tính chất vụ việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo quy định tại Điều 315 BLHS năm 2015 theo đó, mức hình phạt nhẹ nhất từ 01-05 năm tù, nặng nhất là 15 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

LSTS. Luật gia Lê Trọng Hiền cũng đưa ra lời khuyên, để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của mình, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ nên sử dụng dịch vụ thẩm mỹ khi cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật; bác sĩ được đào tạo về chuyên môn, được cấp chứng chỉ hành nghề; thuốc và các phương tiện máy móc được cấp phép lưu hành, còn hạn sử dụng.

Mạnh Hải