Vụ án liên quan tới thương mại điện tử và Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) vừa qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 15/8/2012, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 4 luật sư tham gia bào chữa cho các bị can. Phóng viên báo Bảo vệ Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Bộ phận Tranh tụng của Công ty luật hợp danh Bross và Cộng sự về vụ việc…

 
Luật sư Hoàng Văn Dũng, Trưởng VP LS Bross và cộng sự
Luật sư Hoàng Văn Dũng, Trưởng VP LS Bross và cộng sự
 
PV: Xin ông cho biết đến nay đã có bao nhiêu luật sư được tham gia bào chữa cho các bị can  trong vụ án MB24 và việc được cấp giấy chứng nhận ra sao?
 
LS Hoàng Văn Dũng: Sau khi Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam một số người trong ban lãnh đạo Công ty MB 24, ngày 06/8/2012, vợ của các ông Nguyễn Mạnh Hà và Lê Văn Cường đã trực tiếp đến Công ty luật Bross & Partners mời các luật sư tham gia tố tụng để bào chữa cho chồng của họ từ giai đoạn điều tra. Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho cả hai ông Nguyễn Mạnh Hà và Lê Văn Cường. Tôi được biết, LS Nguyễn Ngọc Khương, Trưởng văn phòng LS Doanh Thương cũng đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can Ngô Văn Huy – Chủ tịch HĐQT Công ty MB24. Ngoài ra, tôi được biết trước đây, phía công ty MB24 đã thuê tới 2 văn phòng luật sư tư vấn. Cụ thể: Văn phòng Luật sư Trí Minh (Hà Nội) tư vấn về việc xin cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động thương mại điện tử; Văn phòng luật sư Tuệ Minh (Hà Nội) tư vấn về việc nộp thuế và làm việc với cơ quan thuế để xử lý vấn đề thuế trước khi xảy ra vụ việc Cơ quan điều tra khám xét văn phòng, nhà riêng và khởi tố bị can các lãnh đạo MB24.
Việc đề nghị thủ tục bào chữa diễn ra tương đối thuận lợi, Cơ quan CSĐT đã cấp giấy chứng nhận sau một tuần chúng tôi có công văn đề nghị. Ngày 18/8/2012, chúng tôi đã có công văn đề xuất tham gia các buổi hỏi cung đối với các bị can Nguyễn Mạnh Hà và Lê Văn Cường. Theo Khoản 2, Điều 58 Bộ luật tố tụng Hình sự thì người bào chữa chúng tôi có quyền: Có mặt lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, đến nay mặc dù đã có công văn và trao đổi trực tiếp, chúng tôi vẫn chưa nhận ý kiến chính thức bằng văn bản của Cơ quan CSĐT về việc tham dự các cuộc hỏi cung các bị can nêu trên.
 
PV: Theo chúng tôi được biết hiện nay có khá nhiều tranh luận trong giới luật sư về việc xác định tội danh của các bị can, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
 
LS Hoàng Văn Dũng: Hiện tại các hồ sơ, liên quan đến vụ việc đã được Cơ quan điều tra thu giữ, trong khi chúng tôi chưa được phép tiếp cận với những nguồn chứng cứ này nên chưa thể đưa ra các nhận định cụ thể và chính xác về vụ việc. Tuy nhiên, với tội danh mà các thân chủ của tôi đang bị quy kết, dưới góc độ pháp lý, đang tiềm ẩn nhiều tình huống thú vị; một trong những tình huống mà tôi dự báo có thể xảy ra là sự bất cân đối giữa kỳ vọng của cơ quan tiến hành tố tụng và quá trình chứng minh tội phạm trên thực tế, bởi lẽ tội danh mà thân chủ tôi hiện bị nghi ngờ là tội mới được bổ sung và có hiệu lực từ 01/01/2010, hiện chưa có hướng dẫn áp dụng chi tiết và có rất ít tiền lệ trong thực tiễn; ngoài ra, vì đây là tội mới, liên quan đến công nghệ cao nên quá trình chứng minh phải chuyển hóa chứng cứ từ các dạng dữ liệu điện tử thu thập được sang chứng cứ theo quy định của Bộ luật TTHS (chứng cứ truyền thống) mà việc này đang gặp phải rào cản rất lớn là cơ sở pháp lý hết sức nghèo nàn. Bên cạnh đó, cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi chứng minh hành vi “lừa đảo” của các bị can đã thực hiện như thế nào trong khi không có yếu tố gian dối; hay ai là bị hại của hành vi “lừa đảo” khi chính phần lớn những người này lại thụ hưởng một phần hoặc nhiều hơn số tiền của mình đã góp nên họ không thể vừa là người bị hại (nạn nhân) vừa là người thực hiện hành vi (thủ phạm) được; một vấn đề khác có liên quan là ai “chiếm đoạt” tài sản của ai trong vụ án này và có thể kết luận một người chiếm đoạt chính tài sản của mình là tội phạm hay không?”.
 
PV: Qua quá trình thu thập hồ sơ, chứng lý bước đầu, ông thấy có thêm những vấn đề gì phát sinh liên quan tới vụ án?
 
LS Hoàng Văn Dũng: Bước đầu có thêm một số vấn đề. Các chức danh cũng phải căn cứ theo hồ sơ giấy đăng ký kinh doanh được cấp để xác định tội danh từng người cho chuẩn xác. Hay như việc tài liệu, thông tin từ 2 văn phòng luật sư Tuệ Minh và Trí Minh cung cấp thì Công ty Mb24 bước đầu có dấu hiệu chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh đa cấp và thương mại điện tử cũng như có sự chủ động nhất định trong vấn đề thuê tư vấn và làm việc với cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế chứ không hoàn toàn cố ý làm trái pháp luật như dư luận nêu. Đây cũng là một dấu hiệu xét giảm nhẹ tội theo quy định pháp luật. 
Hai văn phòng Luật sư Trí Minh và Tuệ Minh, đơn vị được MB24 thuê tư vấn về việc xin cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động thương mại điện tử và việc nộp thuế và làm việc với cơ quan thuế để xử lý vấn đề thuế trước khi xảy ra việc khởi tố vụ án hiện đã thu thập đầy đủ hồ sơ, chứng lý liên quan đến vụ việc, sẵn sàng cung cấp các tài liệu này cho các cơ quan chức năng nếu có trưng cầu.
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
 
Trí Vĩnh (thực hiện)
Tags: MB24
.