leftcenterrightdel
 Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt 245 tỷ của khách hàng rồi bỏ trốn ra nước ngoài 

Về vấn đề này, luật sư Trần Văn Hợp – Văn phòng luật sư Sài Gòn Trẻ (Đoàn luật sư TP.HCM) đã có những chia sẻ với báo Bảo vệ pháp luật dưới góc độ pháp lý về trách nhiệm bồi thường trong vụ việc này.

Theo Luật sư Trần Văn Hợp (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh – Văn phòng luật sư Sài Gòn Trẻ) thì: Về các hành vi phạm tội theo quy định của luật hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng trách nhiệm bồi thường thiệt hại (dân sự) giữa tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ được giải quyết như thế nào để vừa đảm bảo tính an toàn cho cá nhân có tiền gửi tại ngân hàng, sự uy tín trong hoạt động kinh doanh tiền tệ trong hệ thống tài chính ngân hàng tại Việt Nam thì cần xem xét nhiều góc độ khác nhau.

Thứ nhất, giao dịch dân sự đã được xác lập giữa Ngân hàng Eximbank (ủy quyền cho các Chi nhánh) và cá nhân bà Chu Thị Bình (khách hàng có tiền gửi). Như vậy, quyền và nghĩa vụ đã phát sinh đối với Ngân hàng Eximbank và khách hàng liên quan đến số tiền gửi. Việc cho rằng, do bị làm giả hồ sơ, chữ ký để cá nhân khác lợi dụng chiếm đoạt số tiền gửi của khách hàng là không có cơ sở. Bởi lẽ, các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, hay các quy trình trong hoạt động tín dụng mang tính chặt chẽ và thống nhất trong hoạt động ngân hàng. Khi để ra các sai sót về nghiệp vụ, hay quy trình gây thiệt hại cho khách hàng thì trước hết phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

leftcenterrightdel
Theo luật sư Trần Văn Hợp, Eximbank đợi phán quyết của Tòa mới bồi thường cho bị hại là không thỏa đáng

Thứ hai, cá nhân chiếm đoạt (Phó giám đốc Chi nhánh), trước hết họ là người có chức vụ quyền hạn trong tổ chức tín dụng (được bổ nhiệm, tuyển dụng và ủy quyền thực hiện một hoặc nhiều công việc theo phạm vi ủy quyền). Như vậy, xét về hành vi của cá nhân người đang thực hiện công việc phải chịu trách nhiệm trực tiếp với lãnh đạo (người bổ nhiệm, tuyển dụng…), bởi họ đang nhân danh (đại diện) cho ngân hàng. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức (ngân hàng) phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Ngân hàng đối với khách hàng. Trong trường hợp nhân viên của ngân hàng gây thiệt hại cho khách hàng thì người đứng đầu phải có trách nhiệm xử lý giải quyết. Sau đó ngân hàng có thể yêu cầu cá nhân liên đới chịu trách nhiệm bồi thường bằng một quan hệ pháp luật khác, quan hệ người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, bà Chu Thị Bình cần phải được bồi thường một cách thỏa đáng, nhanh chóng và đầy đủ để đảm bảo niềm tin của khách hàng trong hoạt động tài chính ngân hàng.

Liên quan đến hành vi lợi dụng các sơ hở của quá trình hoạt động ngân hàng trong vụ việc này, sự việc xảy ra từ đầu năm 2014 cho đến năm 2017 mới bị phát hiện, trước hết do sự tắc trách, thiếu kiểm soát, rà soát của hệ thống ngân hàng, chưa kể có sự cấu kết có hệ thống để thực hiện hành vi chiếm đoạt, nếu không có sự quản lý có trách nhiệm thì sẽ còn nhiều trường hợp tương tự xảy ra gây thiệt hại cho khách hàng có tiền gửi. Hoạt động của các tổ chức tín dụng – ngân hàng là một hoạt động mang tính đặc thù, không những vì lợi ích kinh doanh của mình mà còn liên quan đến tính ổn định của ngành tài chính – tiền tệ của một quốc gia. Do đó, vấn đề kiểm soát chặt chẽ, có hệ thống trong hoạt động tín dụng sẽ đảm bảo an toàn trong các giao dịch với khách hàng, đảm bảo uy tín của tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và cũng cần thiết phải đảm bảo tính minh bạch, có trách nhiệm cao nhất với khách hàng. Tuy nhiên, về phía khách hàng cũng cần cẩn thận khi giao dịch để tránh bị lợi dụng và chiếm đoạt tài sản như sự việc nêu trên. 

                                                                                                                                                               Trân Định - Mai Phong