Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Cơ quan chức năng cần làm rõ dấu hiệu vi phạm để xác định chế tài là hành chính hay hình sự. Trong trường hợp hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa gây ra hậu quả có thể bị xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, nếu trường hợp là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không có giấy tờ khai báo hải quan, không có giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thì có thể xử lý hình sự về tội buôn lậu nếu hàng hóa, có số lượng trị giá từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xem xét hình sự theo quy định pháp luật. 

leftcenterrightdel
Luật sư Đặng Văn Cường.

Cụ thể Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội buôn lậu như sau:

Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức

b) Có tính chất chuyên nghiệp

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

đ) Vật phạm pháp là bảo vật Quốc gia

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

h) Phạm tội 2 lần trở lên

i) Tái phạm nguy hiểm

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

leftcenterrightdel
Lưc lượng chức năng Quảng Ninh phát hiện 1 xe ô tô vận chuyển 646kg mực ống đông lạnh bị thối rữa, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm: Thông tư 39/2014/TT-BTC có hướng dẫn về việc tạo, lập hóa đơn của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi bán hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, khi bán hàng hóa, bên bán phải lập và giao hóa đơn cho bên mua đối với hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên và hàng hóa có giá trị dưới 200.000 đồng khi bên mua có yêu cầu lập và giao hóa đơn.

Từ quy định trên có thể thấy, khi vận chuyển hàng hóa trên đường đối với những trường hợp trên thì phải có hóa đơn. Nếu hàng hóa vận chuyển trên đường mà không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp nhưng khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Thông tư 39/2014/TT-BTC, khi bán hàng hóa người bán phải xuất hóa đơn giao cho người mua. Nếu không xuất hóa đơn sẽ bị xử phạt theo Điểm b Khoản 4 Điều 38 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn:

Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định. Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua.

Theo Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn gốc, mục đích của hàng hóa, hành vi vận chuyển trái phép và giá trị của hàng hóa để xác định hành vi vi phạm ở đây làm gì, đến mức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xử lý bằng chế tài hình sự theo quy định pháp luật. Nếu hàng hóa có giấy tờ hóa đơn đầy đủ, không vi phạm về nguồn gốc xuất xứ cũng như không vi phạm về quá trình nhập khẩu, việc bảo quản không đúng quy định dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng chưa gây ô nhiễm môi trường thì cũng chưa đủ cơ sở để xử phạt hành chính. 

Còn trường hợp buôn lậu, giá trị hàng hóa từ 100.000.000 đồng trở lên mà cơ quan chức năng không xử lý hình sự thì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vấn đề này cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi vi phạm thì mới có thể áp dụng chế tài đúng quy định của pháp luật.


Lưu Ly