Bà Nguyễn Thị Tố (Thủy Nguyên, Hải Phòng) hỏi: Con trai tôi là lao động chính trong gia đình, cháu chưa có tiền án, tiền sự. Nay gia đình tôi vừa nhận được tin cháu bị bắt tạm giam về hành vi gây rối trật tự công cộng tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (nơi cháu làm việc) và Công an huyện Yên Phong đang thụ lý vụ án. Gia đình tôi rất lo lắng, muốn bảo lãnh cho cháu về nhà thì cần có những điều kiện gì? Và thủ tục như thế nào. Mong quý báo quan tâm giúp đỡ.
 


Trả lời: Điều 92 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định việc bảo lãnh như sau:

Bảo lãnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lãnh.

Cá nhân có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này, ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình.

Khi nhận bảo lãnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.

Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lãnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lãnh.

Cá nhân nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lãnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lãnh thì việc bảo lãnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lãnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Căn cứ theo quy định chúng tôi đã viện dẫn trên, gia đình bà có thể làm Đơn đề nghị được bảo lãnh cho con trai bà. Đơn bảo lãnh nộp cho Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án để được xem xét, giải quyết. Nếu hồ sơ vụ án đang do Cơ quan điều tra thụ lý và trường hợp con bà có đủ điều kiện cho bảo lãnh, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra là người có thẩm quyền ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho áp dụng biện pháp bảo lãnh.
 

Giải đáp pháp luật