Có được làm việc cho đối thủ cạnh tranh sau khi nghỉ việc?
Cập nhật lúc 22:15, Thứ tư, 09/05/2018 (GMT+7)
Hỏi: Em làm việc tại một công ty từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2018 và ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không thời hạn từ năm 2016. Đến nay, em muốn chấm dứt HĐLĐ chuyển sang công ty mới với mức lương cao hơn nhưng công ty cũ không cho nghỉ. Theo quy định của công ty, nếu nghỉ việc phải báo trước 1 tháng, em đã làm theo quy định hết tháng 3 thì nghỉ nhưng công ty không có ý kiến gì.
E đã nghỉ việc từ 1/4 và công ty không trả lương và bằng gốc, tiền đặt cọc cho em với lý do trong HĐLĐ công ty đưa cho em ký có quy định: “…Kể từ khi nghỉ việc tại công ty trong 2 năm không được làm tại bất cứ công ty có chức năng tương ứng nào khác nếu không công ty sẽ kiện.”. Em muốn hỏi như vậy có đúng không? Em phải làm gì trong trường hợp này?
Trả lời:
Khoản 2, 3 Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định:
"2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động".
Như vậy, trong bất kỳ trường hợp nào thì khi chấm dứt HĐLĐ thì công ty phải có trách nhiệm trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà công ty giữ của người lao động. Đồng thời, trong thời hạn 7 ngày làm việc và tối đa là 30 ngày hai bên phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.
Theo quy định, khi HĐLĐ chấm dứt thì quyền và nghĩa vụ của hai bên cũng chấm dứt luôn. Vì vậy, ngay cả trường hợp người lao động (NLĐ) ký vào văn bản “cam kết không làm việc cho đối thủ cạnh tranh trong vòng 2 năm sau khi nghỉ việc”, người sử dụng lao động (NSDLĐ) cũng không có cơ sở để yêu cầu bồi thường nếu lao động đó vẫn đi làm việc cho một NSDLĐ khác.
Theo quy định tại Điều 16 Bộ Luật Lao động thì bạn có quyền làm việc cho bất kỳ NSDLĐ nào mà pháp luật không cấm…. Thậm chí, theo Khoản 3 Điều 30 Bộ Luật Lao động, ngay tại thời điểm đang làm việc (thời điểm HĐLĐ đã ký với công ty vẫn còn hiệu lực), bạn vẫn có quyền ký thêm một hoặc nhiều HĐLĐ với NSDLĐ khác, miễn là bảo đảm được việc thực hiện đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng đã giao kết. Về cam kết không làm việc cho bất kỳ công ty có chức năng tương ứng nào khác thì Luật lao động chỉ quy định về việc: "Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm" (Khoản 2 Điều 23 Bộ luật lao động 2012). Vì vậy, bạn có nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ nhưng công ty không có quyền hạn chế việc bạn làm việc tại các công ty khác trong cùng lĩnh vực.
Trường hợp NLĐ đã ký vào văn bản cam kết này thì nó cũng sẽ bị vô hiệu và không có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật lao động.
Nếu công ty không trả đủ lương, sổ BHXH và các văn bằng... đã giữ thì bạn có thể khiếu nại lên Phòng lao động thương binh và xã hội hoặc khởi kiện ra Tòa án quận/huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Luật sư: Nguyễn Văn Lâm