Chiếu đèn laser, vô tình uy hiếp an toàn bay có phạm tội không?
Cập nhật lúc 23:15, Thứ hai, 27/06/2016 (GMT+7)
Gần đây một số máy bay ở Nội Bài ghi nhận việc bị chiếu laser uy hiếp an toàn bay khiến nhiều người rất lo ngại vì có thể mình vô tình làm việc này. (vô tình , phạm tội, uy hiếp , an toàn , Chiếu đèn laser)
Gần đây một số máy bay ở Nội Bài ghi nhận việc bị chiếu laser uy hiếp an toàn bay khiến nhiều người rất lo ngại vì có thể mình vô tình làm việc này.
Tôi muốn hỏi, hành vi chiếu đèn tia laser uy hiếp an toàn bay thì phạm tội gì?
Luật sư trả lời
Chiếu laser vào buồng lái máy bay là một việc làm vô cùng nguy hiểm, có thể gây tổn thương mắt của phi công, làm mất phương hướng, mất quyền kiểm soát tạm thời máy bay, uy hiếp nghiêm trọng an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng, vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng.
Đối với trường hợp chiếu laser vào buồng lái khi máy bay đang cất hoặc hạ cánh tại sân bay, do chỉ mới xảy ra thời gian gần đây nên pháp luật chưa có quy định cụ thể cũng như chế tài xử phạt.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 12 Luật Hàng không dân dụng năm 2011, việc chiếu laser vào buồng lái khi máy bay đang cất hoặc hạ cánh có thể coi là hành vi "đe dọa, uy hiếp an toàn bay, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác trong tàu bay”. Đây là một những hành vi bị cấm.
Trong trường hợp người hành vi chiếu laser vào buồng lái máy bay làm cản trở giao thông đường không và gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì tùy từng trường hợp cụ thể, người thực hiện hành vi “cản trở giao thông đường không” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cản trở giao thông đường không” quy định tại Điều 217 Bộ luật hình sự mă 1999. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến 15 năm.
Trong trường hợp “Phạm tội có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Từ ngày 1/7, Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực pháp luật, Điều 278 quy định về “Tội cản trở giao thông đường không” đã tăng hình phạt tiền đối với hành vi phạm tội lên đến 100.000.000 đồng; tăng mức hình phạt cao nhất đối với tội này lên 20 năm tù. Riêng đối với trường hợp “Phạm tội có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời” vẫn giữ nguyên hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nhưng tăng mức phạt tiền đến 50 triệu đồng
Theo vnexpress
.