Về vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có ý kiến như sau:
Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật công chứng, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
Công chứng viên là người có năng lực, cung cấp các dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện để nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên trong tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên?
Điều 10 Luật Công chứng 2024 quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên như sau:
Điều 10. Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên
Người có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét bổ nhiệm công chứng viên:
1. Là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi;
2. Thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng;
3. Có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật;
4. Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 03 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật;
5. Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng;
6. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
Như vậy, từ ngày 1/7/2025 người có bằng cử nhân luật và đủ các tiêu chuẩn sau thì được xem xét bổ nhiệm công chứng viên:
- Là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi
- Thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng
- Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 03 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
Công chứng viên có nghĩa vụ gì?
Căn cứ Điều 18 Luật Công chứng 2024 quy định về nghĩa vụ của công chứng viên gồm:
- Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;
- Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;
- Hành nghề tại 01 tổ chức hành nghề công chứng; bảo đảm thời gian làm việc theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng;
- Hướng dẫn người yêu cầu công chứng thực hiện đúng các quy định về thủ tục công chứng và quy định của pháp luật có liên quan; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng;
- Từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và các trường hợp khác theo quy định của Luật Công chứng 2024; giải thích rõ lý do từ chối công chứng;
- Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
- Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm;
- Gia nhập Hội công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là thành viên hợp danh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Công chứng 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.