Về vấn đề này, Luật sư Lê Anh Ngọc (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) có ý kiến như sau:
|
|
Luật sư Lê Anh Ngọc (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) |
Có rất nhiều ý kiến công khai trên các trang mạng cho rằng việc dừng đỗ xe tại nơi không có biển cấm được pháp luật cho phép và chủ phương tiện thoả mái đậu xe ở bất cứ đâu không có biển cấm. Về vấn đề này pháp luật có quy định: Ở những nơi không gắn biển cấm, không vi phạm quy định về an toàn thì chủ phương tiện có thể đỗ xe. Và điều này phù hợp với thực tế khi người dân cần dừng, đỗ phương tiện để chuyển vật liệu xây dựng, vận chuyển đồ đạc vào nhà, đỗ xe để mua bán trong khoảng thời gian ngắn…
Khi luật quy định người dân được đỗ xe ở lòng đường ít người qua lại, không gây cản trở giao thông là vì quyền lợi của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống tại khu vực có lòng đường không cấm dừng, đỗ vì đoạn đường này thường nằm trong ngõ rộng hoặc các khu đô thị mới, có thể là đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư và không thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư. Trong đó, khoản 2 Điều 100 Luật Nhà ở 2014 quy định: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, cụ thể đây là hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó. Tuy nhiên, trong trường hợp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt thì đây không được xem như phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Như vậy, trong trường hợp thứ nhất, nếu đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, ban quản lý toà chung cư có quyền thay mặt các chủ sở hữu của nhà chung cư thực hiện việc quản lý theo Quy chế quản lý nhà chung cư mà Bộ Xây dựng đã hướng dẫn trong Thông tư 02/2016/TT-BXD. Do đó, họ hoàn toàn có quyền đặt ra các yêu cầu nội bộ, trong đó có việc hạn chế việc đi lại của người dân khi đi qua khu đô thị, ấn định các vị trí cấm dừng/đỗ xe và hình thức xử phạt với các phương tiện vi phạm. Việc đỗ xe không đúng vị trí có thể bị coi là hành vi lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung của khu chung cư, theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở 2014, cho nên việc áp dụng hình thức xử lý là “khoá bánh xe” là đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ hai, nếu đường nội bộ là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho nhà nước hoặc giao cho Chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt, thì trường hợp này đường nội bộ không được coi là phần sở hữu chung của nhà chung cư. Trong trường hợp này, việc sử dụng đường nội bộ thực hiện theo quy định trong hồ sơ dự án được cấp phép hoặc văn bản của cơ quan quản lý nhà nước.
Không phải bất kỳ ai cũng được đỗ xe ở lòng đường khu đô thị. Để rõ ràng hơn khi quyền sử dụng xung đột (nhiều người cùng 1 lúc đều muốn sử dụng lòng đường) pháp luật đã quy định về quyền ưu tiên sử dụng; quyền sử dụng lòng đường có các thứ bậc ưu tiên rất rõ ràng. Ví dụ: Ưu tiên cho quyền của đông người (lấy lòng đường tổ chức lễ hội, ưu tiên xe máy, ô tô tham gia giao thông); tiếp đến ưu tiên người có nhà nhìn ra mặt đường(để ra, vào), sau đó đến nhà 2 bên cạnh, sau tiếp đến hàng xóm trong khu đô thị khi có nhu cầu sử dụng lòng đường(đỗ xe tạm thời, vận chuyển hàng hoá, đồ đạc)… Pháp luật bảo vệ quyền lợi cấp thiết và chính đáng của người dân.
Theo định nghĩa “ một người sử dụng, khai thác lòng đường vào mục đích cá nhân gây ảnh hưởng, cản trở người, giao thông hay các hoạt động bình thường khác thì bị coi là chiếm dụng lòng đường”. Việc đỗ xe qua ngày tại lòng đường trong khu đô thị đã ảnh hưởng đến quyền được sử dụng lòng đường của những cư dân sống tại nơi đây khi họ cũng có nhu cầu sử dụng.
Pháp luật quy định các thứ bậc ưu tiên như vậy nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho người dân trong sinh hoạt, tránh việc tranh cãi và ai cũng đảm bảo các quyền được hưởng cơ sở hạ tầng chung là lòng đường. Làm cơ sở để giải quyết khi có xung đột về quyền sử dụng lòng, lề đường.
Dừng, đỗ xe trong một khoảng thời gian với nhu cầu chính đáng khác với hành vi chiếm dụng lòng đường. việc chủ phương tiện đỗ xe như vậy cản trở các công nhân vệ sinh làm nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh đường phố, đồng thời ảnh hưởng quyền sử dụng được luật pháp bảo vệ của các cư dân khác.