Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID – 19 đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như là đời sống sinh hoạt của người dân. Để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh đồng thời giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường thì việc tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh COVID – 19 là vô cùng cần thiết.
|
|
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. |
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì:
“1. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:
a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;”
Trước sự lây lan nhanh và khó kiểm soát của dịch bệnh COVD -19, ngày 29/01/2020, Bộ y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc Bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV (hay còn gọi là “COVID – 19”) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Theo hướng dẫn tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/07/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID – 19 thì quy trình tiêm vắc xin phòng ngừa COVID – 19 sẽ được thực hiện theo các bước như sau:
- Khai báo y tế, đo thân nhiệt
- Hoàn thiện phiếu đồng ý tiêm chủng
- Sàng lọc trước tiêm, tư vấn trước khi tiêm chủng
- Tiêm chủng
- Theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng
Tại bước khai báo y tế, người đăng ký tiêm vắc xin sẽ phải khai báo trung thực các thông tin sau:
- Thông tin cá nhân như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện tại,…
- Tình trạng sức khỏe hiện tại như: có đang bị sốt hay mắc bệnh cấp tính không,…
- Các bệnh mạn tính mắc phải hoặc đang điều trị, các thuốc, liệu trình điều trị đang hoặc đã sử dụng gần đây
- Tiền xử phản ứng hoặc phản vệ với bất kì tác nhân nào
- Các tiêm vắc xin hoặc uống trong vòng 14 ngày qua
- ….
Người đăng ký tiêm vắc xin sẽ phải khai báo thông tin một cách trung thực và chính xác theo quy định. Trường hợp cố tình khai báo gian dối hoặc cung cấp những thông tin không chính xác để được tiêm vắc xin thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt lên tới 20.000.000 đồng. Cụ thể:
“Điều 7. Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm
…
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.”