Người bị gây thương tích cần giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể ngay sau khi điều trị ổn định.

Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng cùng VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa hoàn thành Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về một số hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự và đang trưng cầu các ý kiến đóng góp.

Một trong những nội dung chính của dự thảo là hướng dẫn cách giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể. Theo đó, khi xảy ra các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, liên quan đến thương tích, tổn hại sức khỏe của người bị hại, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản xem xét dấu vết thân thể, lập biên bản mô tả về thương tích, chụp ảnh vết thương… để làm căn cứ giải quyết sau này.

Việc giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể được tiến hành ngay sau khi người bị thương tích hoặc bị gây tổn hại về sức khỏe đã được điều trị ổn định do cơ sở khám, chữa bệnh xác nhận. Cơ quan có thẩm quyền có thể trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời đối với người bị thương tích,

Tuy nhiên, cũng theo hướng dẫn này, bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền từ chối giám định bằng văn bản. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích trên cơ sở hồ sơ bệnh án do cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp làm căn cứ tạm thời để giải quyết vụ án.

Công an xác định tuổi bằng cách nào?

Dự thảo Thông tư liên tịch cũng hướng dẫn cách xác định tuổi của người tham gia tố tụng. Theo đó, nếu tuổi của người bị buộc tội, bị hại có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc nghi ngờ về tính xác thực thì phải trưng cầu giám định tuổi.

Nếu có tài liệu xác định thời gian sinh hoặc có kết luận giám định tuổi nhưng chưa xác rõ ngày, tháng sinh của người bị buộc tội, bị hại thì xác định theo cách sau:

- Nếu xác định được tháng cụ thể, nhưng không rõ ngày nào trong tháng đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự.

- Nếu xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không rõ ngày, tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của quý đó làm ngày sinh.

- Nếu xác định được cụ thể nửa đầu năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm thì lấy ngày 30 tháng 6 của năm đó làm ngày sinh.

- Nếu xác định được cụ thể nửa cuối năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa cuối năm thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh.

- Nếu không xác định được nửa năm nào, quý nào, tháng nào trong năm thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh.

Theo VnExpress.net