Luật sư Lê Anh Ngọc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có ý kiến về vấn đề này như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Lê Anh Ngọc.

 

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ quy định tại Điều 305, Bộ luật Hình sự.

Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm an toàn công cộng bằng việc vi phạm các quy định của Nhà nước về chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán và quản lý các vật liệu nổ.

Tội phạm này khác tội phạm được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ở đối tượng tác động. Đối tượng tác động của tội phạm này là vật liệu nổ. Đó là thuốc nổ và phụ kiện nổ. Trong đó:

- Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp hóa chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tạo chất khí gây áp suất lớn, tỏa nhiệt lớn và tạo ra tiếng nổ dưới tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện.

- Phụ kiện nổ là các loại kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, các vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc các loại thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.

 Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm gồm 6 hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt.

- Chế tạo trái phép vật liệu nổ là làm ra các loại vật liệu nổ dưới bất kỳ hình thức nào mà không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hành vi chế tạo vật liệu nổ bao gồm làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận của loại vật liệu nổ này thành vật liệu nổ khác cũng có tính năng tác dụng như vật liệu nổ.

- Tàng trữ trái phép vật liệu nổ là cất giữ bất hợp pháp vật liệu nổ ở bất cứ nơi nào như: Trong người, trong nhà, tại phòng làm việc, trụ sở cơ quan, tổ chức, phương tiện giao thông, trong túi xách,... mà không nhằm mục đích mua bán hay chế tạo trái phép vật liệu nổ khác hoặc vận chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Nguồn gốc vật liệu nổ mà người phạm tội tàng trữ không kể do nguồn gốc nào mà có như: Được tặng, cho, đào được, nhặt được,... Tuy nhiên, nếu người phạm tội cất giấy vật liệu nổ là vật chứng của vụ án nhằm che giấy tội phạm thì tùy trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ vật liệu nổ và tội che giấu tội phạm.

- Vận chuyển trái phép vật liệu nổ là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp vật liệu nổ từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác,... bằng bất kỳ phương thức nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán.

- Sử dụng trái phép vật liệu nổ là dùng vật liệu nổ vào mục đích mà người sử dụng quan tâm như: Dùng lựu đạn để đánh cá dưới sông,....

- Mua bán trái phép vật liệu nổ là bán hay mua để bán lại; vận chuyển vật liệu nổ để bán cho người khác; tàng trữ để bán lại hoặc để chế tạo ra vật liệu nổ để bán lại trái phép; hoặc dùng vật liệu nổ để đổi lấy hàng hóa hay dùng hàng hóa để đổi lấy vật liệu nổ khác. Vật liệu nổ mà người phạm tội có để bán cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc do đâu mà có; không phụ thuộc vào vật liệu nổ đó là thật hay giả, còn tác dụng hay đã mất tác dụng.

Chiếm đoạt vật liệu nổ là hành vi cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, tham ô vật liệu nổ. Hành vi chiếm đoạt vật liệu nổ cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản, tức là người phạm tội phải có ý thức chiếm đoạt vật liệu nổ ngay trước, trong khi thực hiện thủ đoạn phạm tội. Cũng coi là chiếm đoạt vật liệu nổ nếu người được trang bị vật liệu nổ để huấn luyện, chiến đấu, để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian công tác, khi xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ việc mà không giao nộp lại theo quy định của Nhà nước.

Tôi phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi trên.

Khi định tội danh, nếu một người thực hiện nhiều hành vi (chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán hoặc chiếm đoạt các đối tượng nêu trên) nhưng các hành vi có quan hệ biện chứng với nhau, hành vi này làm tiền đề cho hành vi kia, hành vi sau là hệ quả của hành vi trước thì truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội, nhưng liệt kê đầy đủ các hành vi. Nếu các hành vi được thực hiện độc lập với nhau thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về từng hành vi cấu thành từng tội độc lập.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ là do lỗi cố ý, động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép không đúng với quy định của pháp luật nhưng vẫn thực hiện. 

Nếu vì một lý do nào đó mà người phạm tội không thể nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là trái phép thì không thuộc trường hợp này.

Chủ thể của tội phạm 

Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 15 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật Hình sự. Như vật, chủ thể của tội sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

 

 

Hương My(T/h)