Vì sao nhiều doanh nghiệp từ chối cung cấp gạo?
Cập nhật lúc 13:45, Thứ tư, 11/06/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Hai đơn vị kinh doanh lương thực Việt Nam (Vinafood 1, Vinafood 2) đã trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippin. Đây được xem là thắng lợi bước đầu cho ngành lúa gạo của Việt Nam. Mừng vui chưa được bao lâu thì khi thực hiện việc giao hàng, hai công ty này đã “nhận được” nhiều lời từ chối cung cấp gạo từ những công ty được ủy thác. Nguyên nhân chính đó là khi tham gia đấu thầu, hai công ty lương thực này đã bỏ giá quá thấp.
Hiệp hội lương thực Việt Nam đã phân giao cho trên 20 thành viên của Hiệp hội, chỉ có 1 đơn vị từ chối thực hiện và 2 đơn vị đề nghị giảm lượng ủy thác xuất khẩu với tổng số lượng 14 ngàn tấn (trong tổng số 160 ngàn tấn). Có một số lý do có thể dẫn tới việc một vài doanh nghiệp đề xuất giảm chỉ tiêu ủy thác, đó là do họ thiếu chân hàng, việc mua gạo giao ngay vào thời điểm này có thể không trang trải được chi phí trong khi nhiều doanh nghiệp trong ngành gạo những năm gần đây gặp nhiều khó khăn nên khả năng tự bù đắp để thực hiện hợp đồng là rất khó. Trước kia, các doanh nghiệp nhìn chung đều tự tin thực hiện các chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu vì có lô lỗ, lô lãi bù trừ nhau. Song biến động của giá gạo thế giới và tình hình tài chính nhiều doanh nghiệp không tốt, khả năng có các hợp đồng mới với lợi nhuận bù đắp được chênh lệch của hợp đồng này là khó khăn, vì vậy việc một vài doanh nghiệp giảm lượng ủy thác là điều dễ hiểu.
Theo đại diện Vinafood 1, số lượng Hiệp hội phân bổ cho các đơn vị nếu họ thực hiện không đủ thì thuộc thẩm quyền xử lý của Hiệp hội lương thực Việt Nam theo quy định. Còn với vai trò là đơn vị trúng thầu và trực tiếp ký hợp đồng xuất khẩu với Philippines thì Vinafood 1 có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Nghĩa là Tổng công ty sẽ sử dụng chân hàng của Tổng công ty để bù đắp và đảm bảo xuất khẩu đủ 200.000 tấn.
PGS. TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng: Thời gian vừa qua, Việt Nam bán chủ yếu là những hợp đồng nhà nước, gần đây nhất là hợp đồng 800.000 tấn bán cho Philippines, Việt Nam đã trúng thầu do bỏ thầu thấp nhất, nhưng bây giờ nhiều công ty xuất khẩu xin trả lại hợp đồng vì xuất với giá quá rẻ và những điều kiện khắt khe chưa có tiền lệ khiến các doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ. Rõ ràng khâu thương mại đang bộc lộ nhiều yếu kém vì quá lạc hậu. Bản thân các doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ, chỉ có 2 doanh nghiệp lớn nhất là 2 Tổng Công ty Lương thực thì 2 Tổng công ty này vẫn đóng vai trò là cai thầu thay vì trực tiếp đi xuất khẩu. Nguyên nhân do họ không mở rộng những nghiệp vụ trong thương mại hiện đại, trong khi đó thương mại hiện đại lại đòi hỏi người quản trị doanh nghiệp phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thương mại để đi giao dịch với các nước, tìm thị trường lớn nhỏ…
Trong tình huống này, việc bao thầu sản phẩm nông nghiệp của các công ty lớn luôn có hai mặt: Nếu thực hiện giá thầu tốt thì người dân được hưởng lợi, còn như trường hợp này, giá bỏ thầu thấp nên người dân cũng như doanh nghiệp thu mua lúa gạo có thể bị ép phải xuống giá. Đây cũng là một kinh nghiệm khi ra thị trường ngoài nước để đấu thầu sản phẩm.
Khoa Nguyên
.