Theo đó, ngày 6/5, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã có buổi làm việc, trao đổi về tính khả thi triển khai thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VSS-ID.
VSS-ID là ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiết bị di động, được BHXH Việt Nam cung cấp nhằm phục vụ mục đích thiết lập kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan BHXH thông qua môi trường di động một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng.
Theo Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam), VSS-ID được thiết lập để cung cấp các tính năng cơ bản sau: Cung cấp các tính năng tra cứu thông tin BHYT, BHXH, BH thất nghiệp của người tham gia (bao gồm các loại hình thông tin về thẻ BHYT, lịch sử tham gia BHXH, lịch sử thanh toán KCB BHYT); cung cấp tính năng thanh toán đóng BHXH, gia hạn thẻ BHYT thông qua tài khoản ngân hàng (có hợp tác với BHXH Việt Nam) của người tham gia; cung cấp tính năng hỗ trợ chăm sóc khách hàng qua nhiều hình thức tiên tiến, hiện đại như gọi điện, nhắn tin SMS/Email, trao đổi thông điệp trực tiếp (chat) trong app, thông báo/cảnh báo các thông tin liên quan tới chính sách BHYT, BHXH, BH thất nghiệp.
Bất kỳ người dân nào cũng có thể sử dụng ứng dụng VSS-ID khi đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, tải app VSS-ID về thiết bị di động và đăng nhập vào ứng dụng bằng mã số BHXH cùng mật khẩu do BHXH Việt Nam cung cấp.
Dự kiến tích hợp chức năng đầu tiên trên ứng dụng VSS-ID là cấp thẻ BHYT điện tử. Để thực hiện việc này, Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) đang xây dựng các trường thông tin và “hàng rào” kỹ thuật, để ứng dụng này có thể triển khai rộng rãi đến người dân; đồng thời đảm bảo quy định của pháp luật trong lĩnh vực BHYT.
Ông Trần Quý Tường- Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế ủng hộ chủ trương của BHXH Việt Nam về triển khai thẻ BHYT điện tử. Đây cũng là yêu cầu của Chính phủ về hiện đại hóa các hoạt động của ngành BHXH và yêu cầu chung về thực hiện các dịch vụ công trên môi trường mạng, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong thực hiện TTHC.
Tuy nhiên, để có thể triển khai trong thực tế, đại diện Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam cần hoàn thiện phần mềm, đảm bảo việc cấp thẻ BHYT đúng quy định của pháp luật. Theo đó, mỗi người dân chỉ có một thẻ BHYT duy nhất, tránh trường hợp thẻ BHYT điện tử bị “nhân bản” nhằm lạm dụng quỹ KCB BHYT; đồng thời tính toán trường hợp người dân vẫn có thể sử dụng thẻ BHYT điện tử ngay cả khi không có mạng wifi hoặc mạng dữ liệu di động (4G, 5G) trên thiết bị di động…