Sau gần 1 năm thí điểm về thuê dịch vụ CNTT: Nhiều cơ quan nhà nước vẫn chưa áp dụng
Cập nhật lúc 11:41, Thứ tư, 26/08/2015 (GMT+7)
(BVPL) - Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/12/2014 Quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước có hiệu lực thi hành đến nay đã hơn nửa năm nhưng nhiều cơ quan Nhà nước vẫn chưa áp dụng, thậm chí các doanh nghiệp khi đẩy mạnh đầu tư dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) để cho thuê cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích: Khó khăn vướng mắc đó là số cán bộ lãnh đạo của một số địa phương như: Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Bạc Liêu và một số địa phương khác chưa chỉ đạo sát sao triển khai ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính cần phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cán bộ công chức chưa có thói quen, kỹ năng ứng dụng CNTT và chưa hình thành văn hóa chia sẻ thông tin. Vấn đề an toàn, an ninh thông tin, kinh phí đầu tư cho CNTT cũng rất hạn chế.
Theo thống kê cho thấy, CNTT ở nước ta có tốc độ tăng trưởng 16% tổng doanh thu doanh nghiệp CNTT đạt 2,7 tỷ USD tương đương với hơn 36 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2014, Việt Nam đứng trong top 5 nước tăng trưởng CNTT nhanh nhất thế giới một phần là do có nhiều doanh nghiệp CNTT đang chuyển sang hướng xuất khẩu dịch vụ CNTT.
Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT cho biết: Cho thuê dịch vụ CNTT sẽ phục vụ các địa phương, các ngành một cách đồng bộ tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng CNTT cũng như buộc các doanh nghiệp phải đầu tư bài bản để có thể đảm bảo quyền lợi của bên thuê nếu không họ sẽ chọn doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, để có thể biết được thuê dịch vụ CNTT có đem lại hiệu quả cho cơ quan Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hay không thì Tập đoàn VNPT đề nghị phải tiêu chuẩn hóa chất lượng dịch vụ.
Báo cáo kết quả ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành năm 2014 cho thấy, có 11 bộ, ngành xếp mức khá, 3 địa phương xếp mức tốt, 8 địa phương khá và tới hơn 50 địa phương xếp mức trung bình. Vì thế các doanh nghiệp CNTT lớn như: FPT, Viettel, VNPT, VISA... đang tập trung phát triển mạng cho thuê dịch vụ CNTT sẽ giúp các cơ quan Nhà nước có thêm nhiều lựa chọn khi quyết định chuyển sang thuê ngoài dịch vụ CNTT. Chi phí mà các cơ quan Nhà nước bỏ ra sẽ thấp hơn so với việc mua bản quyền phần mềm như hạ tầng vẫn là của doanh nghiệp CNTT. Nếu các doanh nghiệp CNTT đảm bảo được vấn đề an ninh, an toàn thông tin thì tất cả hạ tầng mà dịch vụ do doanh nghiệp đầu tư cung cấp sẽ được cơ quan Nhà nước đón nhận tích cực hơn. Có nghĩa là bất cứ loại hình dịch vụ nào ứng dụng CNTT cũng đều phải quan tâm vấn đề an ninh mạng.
Khoa Nguyên
.