Tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng 23/4, các đại biểu nghe và thảo luận, chất vấn về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2017.
Trong đó, các đại biểu tiếp tục đề cập việc điều chỉnh tỷ lệ lương hưu của lao động nữ khi nghỉ hưu từ năm 2018 áp dụng từ 1/1/2018, thực hiện theo Luật BHXH 2014, sẽ tác động tới khoảng 3.000 lao động nữ bị giảm lương hưu từ 6% đến 10% so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu trong năm 2017. Vấn đề này được lao động nữ và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Báo cáo trước các thành viên Ủy ban, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Đề án Cải cách BHXH được xây dựng trong hai năm vừa qua, và đến nay, về cơ bản Đề án đã hoàn tất với 02 phương án đặt ra: Phương án thứ nhất dự kiến sẽ cải cách về BHXH; phương án thứ hai dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung một số vấn đề về BHXH. Tinh thần chung của Đề án là nhằm tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, hướng tới mục tiêu trên, Đề án đang được xây dựng với một số nội dung cụ thể như:
Thứ nhất, thiết kế xây dựng BHXH đa tầng với 03 tầng chủ yếu: Tầng thứ nhất là tầng an sinh, do Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để đảm bảo lương hưu xã hội; tầng thứ hai là BHXH bắt buộc và tầng thứ ba là BHXH bổ sung, thực hiện theo nguyên tắc thị trường và tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) đóng thêm để hưởng lương hưu cao hơn.
Thứ hai, sẽ xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. Hiện nay, Luật BHXH đang quy định NLĐ có thời gian đóng BHXH 20 năm sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, trên thực tế, có những người đã tham gia 10 hoặc 15 năm rồi nhưng không có khả năng tiếp tục tham gia đóng BHXH, và sẽ không được hưởng chế độ lương hưu - là rất thiệt thòi. Do đó, trong lần cải cách chính sách BHXH lần này, Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán theo lộ trình, trước mắt có thể giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm đủ điều kiện hưởng lương hưu; sau khi áp dụng, sẽ tiếp tục tính toán phương án có thể giảm xuống mốc 10 năm đóng BHXH. Nguyên tắc đóng - hưởng vẫn được duy trì (đóng ít hưởng ít, đóng ngắn hưởng ngắn).
Thứ ba, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách cũng như tính linh hoạt trong thực hiện chính sách BHXH.
Thứ tư, cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin cho người tham gia BHXH.
Thứ năm, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức để gia tăng số người tham gia BHXH. Lý giải về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt ra đến năm 2020 phải đảm bảo phát triển được 50% số NLĐ tham gia BHXH. Tuy nhiên, hiện 66% lao động nước ta lại đang nằm ở khu vực phi chính thức. Do đó, phải thực hiện có hiệu quả quá trình dịch chuyển này.
Về việc điều chỉnh lương hưu nữ từ ngày 1/1/2018 tác động đến 3.000 lao động nữ về hưu sau ngày điều chỉnh có hiệu lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Quốc hội đã có ý kiến cuối cùng.
“Tháng 3 vừa rồi, Tổng thư ký Quốc hội đã có ý kiến chính thức. Vì vậy, tinh thần của chúng tôi là không đề nghị sửa luật, nếu sửa luật thì phải sau khi thông qua đề án cải cách tiền lương”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ đưa ra phương án sẽ tính toán cấp bù để hạn chế thiệt thòi.
“Chúng tôi sẽ trình Chính phủ trong tháng 5 này và cố gắng thuyết phục Chính phủ đồng ý phương án cấp bù để giải quyết việc này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tại cuộc họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, trong đó có báo cáo về đề án cải cách bảo hiểm xã hội.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, nữ lao động về hưu vào ngày 1/1/2018 sẽ mất 2-10% lương so với nữ lao động có cùng số năm công tác 25 năm nhưng về hưu vào ngày 31/12/2017. Có gần 3.000/21.000 nữ lao động nghỉ hưu bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh này.