(BVPL) - Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt nam vừa công bố những tồn tại, bất cập trong hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

 


Dịp này, ông Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam lưu ý mọi người cách nhận diện những đơn vị bán hàng đa cấp bất chính như sau:

1. Doanh nghiệp yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

2. Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu là 90% mức đã bán.

3. Cho hưởng lợi ích kinh tế từ việc chủ yếu dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới.

4. Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

5. Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia.

6. Không quan tâm đến hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ để tượng trưng không có giá trị sử dụng như mong muốn và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường.

7. Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng.

8. Buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết không bán được hàng.

Chính phủ chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động BHĐC

Được biết, nhằm trấn chỉnh và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doang nghiệp bán hàng đa cấp, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, thay thế Nghị định 110/2005/NĐ-CP.

Theo Nghị định này, hoạt động bán hàng đa cấp phải được đăng ký theo quy định. Tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp.

Nghị định nêu rõ, Bộ Công thương là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trong phạm vi cả nước.

 

Anh Nguyên

.