Tuy vậy, việc tổ chức bộ máy hành chính cấp huyện đang khiến Phú Quốc khó bứt phá để phát triển hơn. Do đó, việc nâng cấp huyện đảo này trở thành thành phố là yêu cầu hết sức bức thiết.
Cơ hội trỗi dậy
Những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, cơ sở hạ tầng đồng bộ đã giúp Phú Quốc thu hút giới đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực BĐS, du lịch, nghỉ dưỡng. Lượng khách du lịch đến Phú Quốc ngày càng tăng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, huyện đảo đón trên 2,2 triệu lượt khách, tăng 35,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 390.000 lượt, tăng 35,5%; doanh thu từ du lịch đạt trên 3.829 tỷ đồng, tăng 40,8% cùng kỳ.
So sánh với một trung tâm du lịch biển khác của Việt Nam để thấy tiềm năng của Phú Quốc còn rất lớn. 6 tháng đầu năm, thành phố Đà Nẵng thu hút 4,3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế ước đạt 739.000 lượt (khoảng gấp đôi Phú Quốc).
Phú Quốc chỉ là 1 huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, nếu được thay đổi cơ chế quản lý như một thành phố thì chắc chắn thu hút đầu tư vào Phú Quốc sẽ tăng mạnh, đồng thời lượng khách đến sẽ không thua kém Đà Nẵng hay các thành phố khác.
Hiện có hơn 300 dự án đăng ký đầu tư vào Phú Quốc, với nguồn vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 360.000 tỉ đồng. Trong số các dự án đầu tư trên địa bàn, có 215 dự án phát triển du lịch... Ngoài ra, Phú Quốc có 31 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 293 triệu USD.
|
|
Cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới góp phần gia tăng lượng khách du lịch tới Phú Quốc |
Theo ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, năm 2019, huyện đảo đặt kế hoạch tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 25.000 tỷ đồng trở lên; thu ngân sách 4.300 tỷ đồng. Lãnh đạo huyện Phú Quốc nhấn mạnh, năm 2019 và những năm tới, Phú Quốc xác định du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển làm nền tảng để thúc đẩy các lĩnh vực khác.
Hàng loạt Tập đoàn lớn không muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng nên đều tăng tốc đầu tư vào đây. Những siêu dự án nghỉ dưỡng, những tổ hợp giải trí quy mô, tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới… đang hình thành ở khu Bắc và Nam đảo. Những thương hiệu khách sạn quốc tế như JW Marriott, Accor, InterContinental, Melia, Movenpick… đều đã có mặt tại hòn đảo này.
Hiện tại, chính sách ưu đãi đầu tư vào Phú Quốc đã vượt trội so với cả nước, như được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng, được hưởng thuế thu nhập 10% thay vì mức 22% chung cho cả nước, thuế thu nhập cá nhân được giảm 50%. Nhưng để Phú Quốc có sức hấp dẫn mang tầm quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao hơn thì rõ ràng, Phú Quốc cần nhiều hơn thế.
Cần “chiếc áo” rộng hơn
Thời gian qua, dù phát triển bứt phá về kinh tế, xã hội, du lịch, song cấp đơn vị hành chính như hiện tại vẫn là "chiếc áo quá chật" ngăn cản nhiều cơ hội bứt phá cho Phú Quốc. Bởi lẽ, khi Phú Quốc là huyện thì mô hình quản lý sẽ là chính quyền nông thôn, chứ không phải chính quyền đô thị như các thành phố khác.
Việc xây dựng Đề án thành lập Thành phố Phú Quốc được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng để đảo Ngọc phát huy tiềm năng, phù hợp với tốc độ tăng trưởng của một huyện đảo đông dân (trên 120.000 người), diện tích lớn nhất nước với gần 600 km2 (gần bằng quốc đảo Singapore hiện nay).
|
|
Phú Quốc trước cơ hội trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam |
Nhìn lại quá trình phát triển của các địa phương, việc nâng cấp một huyện lên thị xã hay thành phố là điều rất bình thường, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như thúc đẩy địa phương đó phát triển mạnh mẽ hơn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân lý giải: Thời gian qua, Sapa có sự tăng trưởng nóng về du lịch. Hàng năm, lượng khách du lịch đến Sapa tăng 23,4% (riêng năm 2018 đã đón trên 2,5 triệu lượt khách). Theo quan điểm của Chính phủ, thành lập thị xã Sapa trên cơ sở huyện Sapa là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi mô hình quản lý từ chính quyền địa phương ở nông thôn (huyện) sang chính quyền địa phương ở đô thị (thị xã), bảo đảm thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn có tốc độ đô thị hoá nhanh.
So với Sapa, tiềm năng của Phú Quốc còn lớn hơn rất nhiều khi sở hữu hàng loạt bãi tắm đẹp, cơ sở hạ tầng phục vụ lưu trú, nghỉ dưỡng được đầu tư hiện đại, chưa kể có sân bay quốc tế với số lượng đường bay ngày càng tăng.
Tương tự Sapa, thuyết minh cho việc xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, mô hình chính quyền nông thôn (huyện) hiện nay không còn khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều bất cập. Đó là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái…
"Vì vậy, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc là cần thiết để thiết lập mô hình quản lý theo chính quyền đô thị cho phù hợp và tạo sự cân đối về phát triển đô thị giữa các khu vực, vùng miền cả nước. Mặt khác, việc thành lập thành phố Phú Quốc sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế xã hội", tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang nêu rõ.
Có thể nói, nếu được tháo gỡ về cơ chế, chính sách, nhất là sớm hiện thực hóa việc đưa Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, Phú Quốc có thể vươn lên trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, cạnh tranh với những thiên đường nghỉ dưỡng như Phuket và Bali trong khu vực.
BOX: Theo phương án trình Chính phủ, tỉnh Kiên Giang dự kiến thành lập thành phố Phú Quốc gồm 8 phường, một xã trực thuộc. Sau khi thành lập, thành phố Phú Quốc có diện tích tự nhiên hơn 589 km2, dân số 127.709 người. Thành phố Phú Quốc nằm về phía Tây Bắc, cách thành phố Rạch Giá - trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang khoảng 120km.