Nhóm lao động thuộc vị trí quản lý, giám sát dự án bất động sản có mức lương cao nhất với khoảng 65 triệu đồng/người/tháng, xếp trên cả mức lương của lao động chức vụ quản lý của ngành Dược, Y tế, Tài chính và Bán lẻ...
 


Theo báo cáo của Macconsult dựa trên khảo sát về mức lương, thưởng, phúc lợi của hơn 600 chức danh thuộc 23 nhóm nghề kết quả cho thấy, có 5 nghề được trả lương cao nhất; 5 nhóm ngành có mức lương cao nhất và nhân sự cấp cao có mức lương cao nhất, cùng với đó là báo cáo về mức lương tăng theo tỷ lệ của các ngành khác nhau.

Cụ thể, về nhóm ngành nghề, đối tượng quản lý giám sát của ngành bất động sản hưởng lương cao nhất 65 triệu đồng/người/tháng. Quản lý giám sát của Dược phẩm và Y tế có mức lương thấp hơn 55 triệu đồng, tiếp đến là quản lý trong lĩnh vực Tài chính, tiếp thị, hàng không có mức lương khoảng 22 - 25 triệu đồng/người/tháng. Đáng nói, ở bậc quản lý không có nhóm ngành Công nghệ thông tin, đây cũng là bất ngờ bởi vì những năm trước, quản lý và giám sát thuộc nhóm ngành này vẫn có mức lương rất cao.

Về mức lương chuyên viên, nhân viên kỹ thuật có sự phân biệt giữa các nhóm ngành, trong đó chuyên viên trong ngành BĐS chỉ có mức lương khoảng 16 triệu đồng, nhân viên là 7,3 triệu đồng. Chuyên viên, nhân viên trong ngành Dược, Y tế mức lương khoảng 12,7 triệu đồng, còn nhóm nhân viên công nghệ thông tin có mức lương 10 triệu đồng.

Mức lương chuyên viên hấp dẫn nhất năm thuộc ngành Kiến trúc - Xây dựng (12 triệu đồng), tiếp theo là nghề Tư vấn – Hỗ trợ kinh doanh và Khách sạn – Nhà hàng (với mức lần lượt là 10,5 triệu đồng và 10,2 triệu đồng). Nghề Công nghệ thông tin đứng thứ 4 thay vì thứ 3 so với năm 2015 (mức 9,25 triệu đồng) và đứng thứ 5 là nghề Truyền thông có mức lương trung bình là 8,5 triệu đồng. Năm 2016, nhóm nghề Khách sạn – Nhà hàng có mức tăng lương đáng kể và lọt top 5 nghề có mức lương trung bình cao nhất.

Nếu như năm 2015 ghi nhận nhóm nghề Dược phẩm – Chăm sóc sức khỏe dẫn đầu với mức lương 20 triệu đồng/tháng thì năm 2016 ghi nhận mức lương cao nhất cho nghề Bất động sản, điều này cho thấy sự tăng trưởng kinh doanh của ngành đầu tư xây dựng bất động sản.

Theo dự đoán về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2016, dịp thưởng cuối năm 2016 -2017 các doanh nghiệp có kế hoạch tăng mức thưởng cao hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất khó tăng mức thưởng do năm 2016 đã điều chỉnh mức tăng lương cao hơn so với năm trước do sự thay đổi của chính sách lương tối thiểu của Nhà nước. Vì vậy, nhìn chung mặt bằng tiền thưởng năm nay không có sự khác biệt so với năm 2015, các doanh nghiệp cho biết mức thưởng thông thường sẽ là 1 tháng lương bình quân trong năm của người lao động.

Đối với tỷ lệ tăng mức lương, nhân sự cấp cao có tỷ lệ tăng lương cao nhất đến 36% về lương và 20% về mức thưởng trung bình. Nhóm nghề Quản lý - Điều hành vẫn luôn đứng đầu bảng ở mức lương và thưởng trong năm 2016, với mức lương trung bình là 47,894 triệu đồng/tháng và mức thưởng trung bình 91,778 triệu đồng/năm.

Tỷ lệ tăng lương trung bình năm 2016 là 10,8% tăng nhẹ so với năm 2015, trong đó ngành Dược phẩm – Y tế có mức tăng cao nhất là 18%. Ngành Tài chính – Bảo hiểm – Chứng khoán xếp thứ 3 với tỷ lệ 12,8% . Dự kiến năm 2017, tỷ lệ tăng lương có xu hướng tăng nhẹ, điều này cho thấy việc điều chỉnh lương của các doanh nghiệp hàng năm đảm bảo phù hợp với sự điều chỉnh của pháp luật lao động về mức lương tối thiểu vùng.

Tỷ lệ nghỉ việc theo ngành, tỷ lệ nghỉ việc trung bình theo ngành là 12,96%, tăng nhẹ so với năm 2015 là 11,58%. Trong đó, 3 ngành có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao nhất là Dược phẩm – Y tế (33,8%); Bán buôn – Bán lẻ (17,3%) và Xây dựng – Bất động sản (15,7%). Tương tự năm 2015, năm 2016 tiếp tục ghi nhận ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất (4,3%).

Về những ngành dự kiến tuyển thêm nhân sự năm 2017, cao nhất là Công nghệ thông tin với tỷ lệ 19%, ngành Khách sạn – Nhà hàng cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao với tỷ lệ 14,4%.
 

Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí

.