Mới đây, Cty Quang Huân có gửi đơn tố giác hàng chục tỉ đồng họ gửi trong tài khoản ngân hàng VPBank “không cánh mà bay” có liên quan đến việc mua, chi, ký séc.
 
VPBank khẳng định không có chuyện mua séc hộ.
VPBank khẳng định không có chuyện mua séc hộ.
 
Có hay không chuyện mua séc hộ?
 
Theo đơn tố cáo của bà Trần Thị Thanh Xuân - Giám đốc Cty Quang Huân, Cty này mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ cuối tháng 3.2015. Trong mùa mua bán nông sản, khách hàng của Cty thanh toán tiền hàng vào tài khoản này, ước tính khoảng 26 tỉ đồng.
 
Cuối vụ, khoảng tháng 7.2016, bà Xuân đến rút tiền thì tá hỏa phát hiện 26 tỉ đồng trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn lại vài trăm nghìn đồng. Bà muốn kiểm tra tài khoản thì nhân viên ngân hàng yêu cầu bà làm thủ tục đổi chữ ký vì cho rằng chữ ký của bà không giống như chữ ký đã giao dịch trước đây.
 
Nhìn sao kê tài khoản, bà càng ngạc nhiên hơn khi thấy có các giao dịch “rút, chuyển” từ số tiền khách thanh toán chuyển vào tài khoản này. Việc ký séc, chi séc diễn ra liên tục, trong khi bà chưa hề mua séc lần nào. Trong bản sao kê ghi rõ, người mua séc của Cty là nhân viên VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng và người rút séc là chồng bà Hằng, tên Nguyễn Huy Nhựt, cùng 2 người bạn tên Đỗ Đình Bảo, Phạm Văn Trinh (nhân viên kế toán của Cty bà Xuân).
 
Trong thời gian ngắn, cứ có khách chuyển tiền vào tài khoản là Nhựt, Bảo, Trinh dùng séc (do chính nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng mua) rút tiền mặt hoặc chuyển vào Cty Thanh Tâm do vợ Phạm Văn Trinh đứng tên.
 
Bà Xuân khẳng định, không hề ủy quyền cho ông Phạm Văn Trinh mở tài khoản. Theo bà Xuân, đã có sự câu kết và tiếp tay giữa nhân viên VPBank và những đối tượng khác nhằm đánh cắp tiền từ tài khoản của bà. Sự việc trên hiện đang được các cơ quan chức năng làm rõ.
 
VPBank khẳng định, không có chuyện mua séc hộ
 
Chiều 27.8, liên quan đến việc tố cáo của bà Xuân, VPBank gửi tài liệu đến báo chí khẳng định, nhân viên Đoàn Thị Thúy Hằng không đứng tên mua séc mà chỉ đứng tên nhận hộ séc theo chỉ định của Cty Quang Huân, việc mua séc của Cty Quang Huân được chính Cty này thực hiện.
 
Theo chứng từ, tài liệu lưu trữ tại VPBank, Cty Quang Huân có văn bản ngày 28.3.2015 đề nghị mua séc, được ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của Cty Quang Huân, trên đó ghi rõ người nhận séc là Đoàn Thị Thúy Hằng (thời điểm đó là cán bộ VPBank).
 
Trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu chữ ký, dấu trên đề nghị mua séc khớp đúng chữ ký, dấu mẫu được đăng ký, lưu trữ tại VPBank, VPBank đã chấp thuận bán quyển séc cho Cty Quang Huân theo đúng quy định tại Điều 8 Quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11.7.2006 của Ngân hàng Nhà nước.
 
Theo VPBank, cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng đã giải thích về việc có tên trên đề nghị mua séc của Cty Quang Huân là do kế toán Cty Quang Huân - tức ông Phạm Vãn Trinh - đề nghị nhận hộ và trao lại cho ông Trinh sau đó.
 
Tại biên bản làm việc ngày 4.11.2015, ông Trinh đã xác nhận, toàn bộ số séc mà cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng nhận hộ trên đề nghị mua séc đã được chuyển lại cho Phạm Văn Trinh và sau đó ông Trinh đã chuyển lại cho bà Xuân. Từ các bước xác minh, kiểm chứng lại tài liệu lưu trữ và các cá nhân liên quan nói trên, VPBank nêu 3 điểm:
 
Thứ nhất, VPBank đã bán séc cho Cty Quang Huân theo đúng đề nghị mua séc, tuân thủ đúng quy định tại Quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/7/2006 của Ngân hàng Nhà nước.
 
Thứ hai, việc kiểm soát yêu cầu đề nghị mua séc được thực hiện theo đúng quy định - chữ ký, dấu trên đề nghị mua séc khớp đúng với chữ ký, con dấu được đăng ký mẫu của Cty Quang Huân tại VPBank.
 
Thứ ba, quyển séc Cty Quang Huân mua đã được giao cho người nhận séc theo chỉ định của Cty Quang Huân và thực tế người nhận séc (Hằng) đã chuyển lại quyển séc đã mua cho Trinh - kế toán của Cty Quang Huân và Trinh đã chuyển lại ngay cho bà Xuân - đại diện theo pháp luật của Cty Quang Huân.
 
Thực hư số tiền mất là bao nhiêu?
 
VPBank cho biết, trong quá trình giải quyết tố cáo của bà Xuân, VPBank cũng tìm hiểu về đường đi/đến của số tiền được rút ra từ 3 tấm séc (theo như tố cáo của bà Xuân) do Cty Quang Huân phát hành.
 
Cũng theo VPbank: “Theo biên bản làm việc với Phạm Vãn Trinh - cán bộ kế toán Cty Quang Huân (có luật sư đại diện), Trinh cho biết, toàn bộ số tiền rút séc từ tài khoản của Cty Quang Huân đều được sử dụng theo chỉ định của bà Xuân - đại diện theo pháp luật - chủ tài khoản Của Cty Quang Huân - hoặc có sự giám sát của bà Xuân hoặc người nhà bà Xuân. Cụ thể: Ba lần rút séc với tổng cộng 11,3 tỉ đồng đều chuyển lại tài khoản của cá nhân bà Xuân, tài khoản của Cty Quang Huân tại Argribank”.
 
Trước đó, ông Trinh cũng cho biết, các lần rút tiền đều có 4-5 người của Cty Quang Huân đi cùng, trong đó có con của bà Xuân, sau đó giao tiền lại cho bà Xuân; bà Xuân gọi ông Trinh đến nhà lấy séc đi rút tiền, có người đi cùng chứng kiến trong các giao dịch trên… Việc ai đúng ai sai trong trường hợp này thì phải chờ đến khi cơ quan điều tra xác minh.
 
Ngoài ra, số tiền liên quan cuối cùng là bao nhiêu cũng cần được xác định cụ thể. Vì trong đơn tố cáo của bà Xuân, số tiền bị tố “biến mất” là 11,3 tỉ đồng, nhưng sau đó bà Xuân phản ánh trên báo chí là 26 tỉ đồng.
 
Liên quan về vấn đề này, trao đổi với báo chí mới đây, bà Xuân khẳng định: “Tôi xác nhận lần đầu tiên chính tôi gửi đơn nhờ cơ quan công an làm rõ số tiền bị mất là 11,3 tỉ đồng. Bởi lúc đó khi nhận được bản sao kê giao dịch từ ngày mở tài khoản đến đầu tháng 8.2015, tôi thấy như một đám rừng mà không hiểu gì cả. Tôi choáng vì thấy tiền bị mất nhưng khi ngân hàng đưa ra bản sao kê như vậy thì sau đó tôi phải tìm hiểu chứ. Ngay tại thời điểm ấy, tôi thấy trước mắt cần phải làm rõ việc 3 lần rút tiền bằng séc bởi khi đó Cty Quang Huân chưa mua séc. Còn những giao dịch khác, tôi chưa thu thập đủ chứng từ nên chưa dám yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ. Thực tế, dòng tiền vào và ra khỏi tài khoản của tôi tại VPBank còn lớn hơn 26 tỉ đồng!”.
 
Theo laodong.com.vn
.