Không để người lao động chịu thiệt khi doanh nghiệp phá sản
Cập nhật lúc 22:39, Thứ tư, 07/06/2017 (GMT+7)
Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản sẽ được ghi nhận thời gian làm việc là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). (người lao động , doanh nghiệp, phá sản)
Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản sẽ được ghi nhận thời gian làm việc là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Đây là một trong những giải pháp được nêu ra tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo đảm quyền lợi của người lao động nhằm giúp giải quyết các chế độ BHXH hoặc chốt sổ BHXH để người lao động chuyển đơn vị khác.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 203.000 người tham gia BHXH tự nguyện và trên 11 triệu người tham gia BHTN. Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng, gây bức xúc cho người lao động.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp giải thể, phá sản có chủ bỏ trốn, số tiền nợ BHXH bắt buộc lên tới trên 220 tỷ đồng, khiến gần 200.000 người lao động bị ảnh hưởng.
Xuất phát từ thực tế tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì xây dựng Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và bảo đảm quyền lợi của người lao động. Dự thảo Nghị định nêu trên đang được lấy ý kiến đóng góp trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị định này là phương án ghi nhận thời gian người lao động làm việc tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản mà doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH là thời gian đóng BHXH để làm cơ sở giải quyết các chế độ BHXH hoặc chốt sổ BHXH để người lao động chuyển đơn vị khác. Đồng thời, dự thảo cũng quy định tài sản của doanh nghiệp phá sản sau khi thanh lý sẽ được ưu tiên đóng BHXH, trong trường hợp không đủ, thì được đảm bảo bằng khoản tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp khi nợ đóng BHXH theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật BHXH năm 2014.
Đánh giá về phương án nêu trên, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động cho rằng, phương án đưa ra trong dự thảo có ưu điểm là chỉ cần sửa đổi một số quy định của pháp luật có liên quan, nhất là Luật Phá sản. Phương án này đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng của Luật BHXH, đồng thời không phải bố trí ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, phương án này chỉ cần Chính phủ ra quyết định, không cần phải thông qua Quốc hội.
Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng băn khoăn rằng khả năng tiền lãi thu có nhiều không, về lâu dài có bền vững không? Nếu tiền lãi thu không đủ chi trả thì lấy gì để đảm bảo?
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đề xuất: “Các địa phương cũng cần phải trích nguồn từ ngân sách để cùng chia sẻ trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người lao động. Bởi địa phương phải có trách nhiệm khi không quản lý, giám sát tốt, dẫn tới tình trạng phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn của các doanh nghiệp xảy ra mà không nắm bắt sớm để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa hệ luỵ”.
Mặt khác, ông Trần Đình Liệu cho rằng, việc tăng cường chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các ngành và thực hiện hiệu quả công tác quản lý thu nợ BHXH là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng chủ sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.
Theo Hùng Anh/ANTD.VN
.