Với quyết định đầu tư xây dựng “siêu” nhà máy sữa Việt Nam tại tỉnh Bình Dương, Vinamilk đang đem lại sự tăng trưởng vượt bậc cho ngành sữa Việt Nam và mở nhiều hướng đi mới cho người nông dân... Tháng 9.2013, nhà máy sữa Việt Nam chuyên sản xuất sữa nước được Vinamilk đầu tư ứng dụng công nghệ tự động và tích hợp hiện đại nhất thế giới đã chính thức đi vào hoạt động.
Công suất thiết kế giai đoạn I của nhà máy là 400 triệu lít sữa/năm, bằng công suất của 9 nhà máy sữa hiện nay của Vinamilk gộp lại. Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk, đến năm 2015 sẽ triển khai giai đoạn II của nhà máy, nâng công suất lên 800 triệu lít sữa/năm. Khi đó, chỉ tính riêng nhà máy này đã đủ đáp ứng nhu cầu sữa nước cho toàn thị trường Việt Nam.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cắt băng khánh thành Nhà máy sản xuất sữa nước hiện đại hàng đầu Thế giới của Vinamilk (Ảnh: Nguyễn Á) |
Làm chủ công nghệ chế biến
Với công nghệ tự động hóa và tích hợp hàng đầu thế giới, nhà máy được vận hành tự động 100% từ khâu nhập liệu tới kho thành phẩm thông qua sự điều khiển và kiểm soát của hệ thống máy tính trung tâm. Nhờ đó nhà máy luôn kiểm soát được chất lượng sản phẩm và đạt hiệu quả sản xuất ở mức cao nhất. Nhà máy cũng áp dụng những giải pháp xanh, thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải rắn, lỏng, khí; áp dụng những công nghệ chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học. Sản phẩm sữa từ đây đã đáp ứng tất cả các yêu cầu khắt khe nhất về nhập khẩu của các nước, kể cả tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và được cấp số đăng ký nhập khẩu vào Mỹ. Sản phẩm của Vinamilk hiện nay đã có mặt ở 26 quốc gia trên toàn thế giới, kim ngạch xuất khẩu đã ký cho cả năm 2013 là 230 triệu USD, tăng 27 % so với 2012.
Sữa là một ngành có vị trí chiến lược quan trọng trong việc nâng cao thể trạng và tầm vóc con người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em. Mức tiêu dùng sữa của người Việt mặc dù đã tăng từ 10 lít/người mỗi năm lên 15 lít/người trong hiện tại vẫn còn khá thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, chỉ bằng 25% nhu cầu. Từ trách nhiệm đối với xã hội, Vinamilk đã vươn lên làm chủ công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm sữa bổ dưỡng phục vụ yêu cầu dinh dưỡng và tiêu dùng.
Tại lễ khánh thành, nhà máy sữa Việt Nam đã gửi tặng 150.000 hộp sữa đến 10 tỉnh có nhiều trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Sự có mặt của siêu nhà máy sữa bột vừa khánh thành và trước đó, vào tháng 4/2013, và siêu nhà máy sữa nước của Vinamilk cũng đã được khánh thành cho thấy chủ trương tăng sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm của Vinamilk có chiến lược và rất tập trung. Hai siêu nhà máy của Vinamilk góp phần tích cực vào việc hoàn thành quy hoạch phát triển mức tiêu dùng sữa/đầu người đến năm 2015 của Việt Nam đạt 21 lít/người, năm 2020 là 27 lít/người. Sản lượng sữa sản xuất trong nước (kể cả nhập khẩu nguyên liệu) ở mức 1,4 triệu tỷ lít hiện tại sẽ tăng lên 1,9 tỷ lít vào năm 2015; 2,6 tỷ lít vào năm 2020.
Mở rộng nghề nuôi bò sữa
Vinamilk hiện tại đã có 5 trang trại bò sữa công nghiệp quy mô lớn ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định và Lâm Đồng, toàn bộ bò giống được nhập từ Australia về. Tổng đàn bò của công ty hiện đạt khoảng 8.000 con, làm ra 90 tấn sữa ngày. Để phát triển nguồn sữa, Vinamilk đã liên kết với 5000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với hơn 65.000 con bò trên cả nước. Sắp tới Vinamilk sẽ đầu tư thêm 4 trang trại mới, hiện đại tại Hà Tĩnh (3.000 con bò), Tây Ninh (10.000 con bò) và Thanh Hóa (20.000 con bò)…
|
Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk trao tặng 150 ngàn hộp sữa tươi tiệt trùng Vinamilk 100% "Hỗ trợ miễn dịch" với tổng trị giá tương đương 1 tỷ đồng cho trẻ em suy dinh dưỡng (Ảnh: Nguyễn Á) |
Các trạm mua sữa do Vinamilk lập ra khắp nơi ở cả nước đã là yếu tố chính góp phần phát triển nghề nuôi bò sữa. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có khí hậu khắc nghiệt, hàng năm phải chịu đựng mùa gió Lào khô nóng, nhưng khi Vinamilk đầu tư khoa học kỹ thuật, thành lập các trang trại bò sữa thì nghề nuôi bò sữa cũng phát triển. Nguồn nông sản chính để chế biến thành thức ăn cho bò sữa ngoài cỏ thực phẩm là bắp, đậu nành. Theo bà Mai Kiều Liên, TGĐ Vinamilk, từ hiện trạng xuất khẩu lúa gạo đang gặp khó do cung vượt cầu, nhiều vùng sản xuất lúa đang có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích sang trồng bắp, đậu... Đây là cơ hội tốt để phát triển nguyên liệu, chế biến thực phẩm nuôi bò sữa cung ứng cho các trang trại bò sữa của Vinamilk và các nông hộ vệ tinh.
Cách làm của Vinamilk cho thấy có thể gia tăng nhanh nguồn sữa nguyên liệu trong nước, nhanh chóng phát triển nguồn nguyên liệu sữa bò tươi, đáp ứng nhu cầu của các nhà máy. Nghề nuôi bò sữa ở vùng ven TP.HCM và nhiều khu vực khác đang có cơ hội phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm ở nông thôn và làm tăng thu nhập cho nhiều hộ.
Trân Định