Theo Cục hàng không Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2014, công tác đảm bảo kỹ thuật tàu bay tính theo chỉ số độ tin cậy khởi hành của Vietnam Airlines là 99,16%, Jetstar Pacific Airlines 98,77% và VietJet Air 99,27%.

 

 

Trong 7 tháng đầu năm, sự cố do lỗi nhân viên hàng không giảm mạnh (24 vụ so 34 vụ cùng kỳ năm 2013). Số lượng sự cố liên quan đến thành viên tổ bay và nhân viên phục vụ mặt đất  giảm sâu (5 vụ so 18 vụ), thể hiện sự tiến bộ về việc tuân thủ quy trình khai thác và quy trình bảo dưỡng tàu bay.

Liên quan đến tình hình chậm huỷ chuyến bay, Cục hàng không Việt Nam cũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2014, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 86.864 chuyến bay, tỷ lệ chậm là 20,9% (tăng 4,9 điểm so cùng kỳ năm 2013), tỷ lệ hủy là 3% (tăng 0,5 điểm so cùng kỳ năm 2013). Như vậy tổng cộng tỷ lệ chậm, huỷ chuyến là 23,9%.

Trong đó, Vietnam Airlines chậm chuyến là 13,1% tăng 3% so với cùng kỳ, huỷ chuyến là 2,6% tăng 0,1% so với cùng kỳ; Jetstar Pacific Airlines tỷ lệ chậm chuyến là 41,5% giảm 0,2% so với cùng kỳ và huỷ chuyến là 3,4% giảm 0,6% so với cùng kỳ; VietJet Air huỷ chuyến là 40,1%, tăng 5,3% so với cùng kỳ và huỷ chuyến là 3,2% tăng 1,5%.

Vẫn còn nhiều tồn tại liên quan đến tình trạng chậm chuyến bay

Cục hàng không Việt Nam cho biết, việc tiếp tục để xảy ra tình trạng chậm, huỷ chuyến bay trong 7 tháng đầu năm vừa qua có nhiều nhóm nguyên nhân chủ quan trực tiếp gây ra.

Trong đó, hạ tầng một số cảng hàng không, sân bay chưa đáp ứng tốc độ phát triển. Cùng với đó là sự quá tải tại các sân bay lớn (khu bay, nhà ga) và tắc nghẽn không lưu tại sân bay Nội Bài và tân sân nhất.

Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch, chuẩn bị trước chuyến bay của hãng hàng không còn hạn chế; cách tính thời gian quay đầu tàu bay chưa phù hợp; sự phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trong dây chuyền tại một số CHKSB chưa tốt.

Công tác giám sát bảo đảm an ninh, an toàn hàng không còn hạn chế. Việc chỉ đạo, giám sát thực hiện các khuyến cáo, yêu cầu liên quan đến kết cấu hạ tầng, phương tiện tại cảng hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ còn hạn chế.

Ngoài ra, công tác giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền lợi của hành khách, việc thực hiện trách nhiệm của hãng hàng không trong trường hợp chậm, hủy chuyến bay theo các văn bản pháp luật còn hạn chế; việc thực hiện nghĩa vụ của các hãng hàng không, văn hoá ứng xử của nhân viên hàng không còn nhiều tồn tại, thiếu sót.

Cục hàng không Việt Nam cũng cho biết, để hạn chế tình trạng chậm, huỷ chuyến bay trong thời gian vừa qua, Cục sẽ khẩn trương hoàn thành trình Bộ trưởng phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về HKDD của Cục HKVN. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt Chương trình hành động của Cục HKVN nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, giảm tình trạng chậm hủy chuyến bay ban hành kèm theo Quyết định số 1078/QĐ-CHK ngày 17/7/2014.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện các Biên bản giữa Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng về quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay, mở rộng hạ tầng sân bay phục vụ hoạt động HKDD;

Riêng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Hệ thống Quản lý an toàn (SMS), cũng như thường xuyên rà soát, cập nhật tài liệu khai thác đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, rà soát, nâng cao chất lượng, bổ sung lĩnh vực huấn luyện đào tạo nhân viên hàng không, đặc biệt là kiểm soát viên không lưu. Duy trì nghiêm kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không…

 

Theo Vnmedia

.