Bộ Tài Chính đang trình Chính phủ đề xuất Quốc hội dỡ bỏ trần quảng cáo khuyến mại cho các doanh nghiệp (DN), xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến của chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng: thuận lợi có, nhưng những khó khăn, thách thức là rất lớn.

 


Đặc biệt rủi ro là rất lớn khi trong cùng 1 ngành, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện tài chính, năng lực quảng cáo hơn hẳn DN trong nước sẽ tạo nên cạnh tranh bất đối xứng, có thể “bóp chết” DN Việt Nam.
 

1
Dỡ bỏ trần quảng cáo có thể đem lại thuận lợi, nhưng doanh nghiệp nước ngoài có thể bóp chết doanh nghiệp Việt bằng đầu tư cho quảng cáo để chiếm lĩnh thị trường và sự hiện diện sản phẩm trong mắt người tiêu dùng


Theo quy định hiện hành tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014 quy định: Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng… nếu vượt quá 15% tổng số chi được trừ, DN sẽ không được tính vào chi phí kinh doanh để trừ đi thu nhập chịu thuế. Đây là điều khoản theo nhiều doanh nghiệp đang kìm hãm cạnh tranh và bó buộc quảng cáo.

Nhiều chuyên gia kinh tế tán đồng với việc dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, nhưng cần có lộ trình và xem xét đến tác động của nó đối với các DN nhỏ và vừa. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Việc bỏ trần quảng cáo, sớm muộn gì chúng ta cũng phải bỏ vì chơi sân chơi chung, chúng ta phải bắt buộc phải hủy bỏ.
 
"Tuy nhiên, phải xem xét dỡ trần quảng cáo hợp lý về mặt kinh tế ở chỗ nào? dỡ bỏ ra về mặt nguyên lý cạnh tranh, thị trường tự do là hợp lý nhưng nó chỉ hợp lý khi doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính quảng cáo và Nhà nước quản lý quảng cáo hoàn thiện như các nước. Không chỉ gây bất đối xứng về cạnh tranh, nếu đầu tư quá nhiều vào quảng cáo, các DN sẽ tính chi phí này vào giá thành sản phẩm và bán với mức giá cao hơn cho người tiêu dùng”, TS Trần Đình Thiên nhận định.

Còn theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch hiệp hội DN nhỏ và vừa: “Bỏ ngay, bỏ tất cả trần chi phí quảng cáo thì chắc chắn doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ thua, các DN lớn, đặc biệt là các DN đầu tư nước ngoài (FDI) họ có tài chính lớn, vay vốn lãi suất thấp ở nước họ mang qua đây đầu tư quảng cáo sẽ chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh về giá trị quảng cáo và sẽ rất khó cho các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam. Nghiên cứu làm sao để vẫn đáp ứng được nhưng quy chuẩn của hội nhập nhưng cũng phải làm sao những quy chuẩn ấy phù hợp và có lợi nhất đối với tình hình sức khỏe của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam”, ông Kiêm nói rõ.

Còn ở quan điểm của những người làm chính sách, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: “Tôi tán thành dỡ bỏ, nhưng dưới góc độ của những người làm chính sách khi 95% doanh nghiệp hiện nay là nhỏ và vừa, nếu dỡ bỏ hoàn toàn trần chi phí, “lên sàn boxing - đấu tay bo” với doanh nghiệp ngoại thì chúng ta thua ngay”.

Theo ông Kiên, thành công của dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo đòi hỏi phải trả lời được hai vấn đề: Thứ nhất: dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo ra, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn giữ phương pháp giám sát chi phí sản xuất của doanh nghiệp như đang làm, thì cá nhân tôi nghĩ là ko đạt được yêu cầu vì khi dỡ bỏ đòi hỏi phải có cách thức quản lý và giám sát mới, nếu vẫn “bài vở cũ” soạn lại, chúng ta sẽ không kiểm soát được và những thiệt thòi sẽ thuộc về doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ hai: Quảng cáo là sân chơi đòi hỏi khoa học và kiến thức, nhưng chúng tôi thấy hầu hết chúng ta chưa có trường nào đào tạo về ngành truyền thông chất lượng quốc tế, có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp quảng cáo ngoại, có thể dựng lên được 1 quảng cáo Media Infomatic hoàn chỉnh.

Không đồng tình với quan điểm dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, Tiến sĩ Ngô Trung Hưng – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Việt Hưng nêu rõ điểm bất lợi thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Thay vì áp đặt trần quảng cáo trên chi phí sản xuất, hãy áp đặt trần quảng cáo trên doanh thu, sẽ có lợi hơn, đây là biện pháp mà Trung Quốc hiện đang áp dụng.

Ông Hưng nói rõ: “Muốn bán hàng hóa được phải cạnh tranh được từ quảng cáo, tăng quảng cáo để người tiêu dùng biết chúng ta. Nếu dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, các DN nước ngoài, được vay vốn rẻ chỉ 2% từ nước họ, có thu nhập doanh nghiệp gấp từ 10 lần so với DN Việt Nam và họ sẽ “bóp chết” chúng ta bằng quảng cáo.

Doanh nghiệp tôi mỗi năm quảng cáo khoảng 80 tỷ đồng, nếu dỡ trần tôi cũng chỉ có thể quảng cáo khoảng 100 tỷ đồng. Nhưng đối mặt với những doanh nghiệp nước ngoài là đối thủ của chúng tôi, khi họ tăng 1000 tỷ lên 2000 tỷ đồng thì không có cách gì để cạnh tranh được với họ.

Ví dụ như: trong một ngành có tập quyền bán là tứ quyền (4 doanh nghiệp bán), cấu trúc quảng cáo chia là 30% doanh nghiệp dẫn đầu, 20% cho doanh nghiệp tương đối lớn, 15% cho doanh nghiệp trung bình và 35% thuộc về cho 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là mô hình hoàn hảo dành cho chúng ta.

Nhưng từ tứ quyền bán này, nếu doanh nghiệp dẫn đầu đầu tư thêm 1000 tỷ đồng, thì thị trường sẽ chuyển dịch qua tam quyền bán, thì cấu trúc nó sẽ là 40% cho doanh nghiệp dẫn đầu, 30% cho doanh nghiệp tương đối lớn và 20% cho doanh nghiệp trung bình, còn 100 DN vừa và nhỏ sẽ chỉ còn khoảng 10% đất sống mà thôi. Có nghĩa là nó sẽ tạo gọng kìm xiết chặt các DN Việt, đẩy các DN ra khỏi ngành. Đó là chỉ nói chuyển từ tứ quyền bán sang tam quyền bán, còn nếu chuyển sang lưỡng quyền bán thì cực kỳ bi thảm (các doanh nghiệp lớn) chia đôi thị trường - “độc quyền chia đôi”, doanh nghiệp Việt, người Việt sẽ thất nghiệp hết.
 

Theo Dân trí

.