Đến lúc này, khi việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn cuối, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn còn khá thờ ơ, trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài lại tận dụng tối đa cơ hội này.

 


Tập đoàn Hyosung là một minh chứng cho sự chuẩn bị đón đầu TPP rất bài bản của các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các tập đoàn lớn. Nhiều DN FDI nhìn được rõ lợi ích mang lại từ TPP và đã chuẩn bị tốt.

660 triệu USD và sự mong đợi

Đầu tháng 5-2015, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Hyosung Đồng Nai (thuộc Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc). Lãnh đạo của công ty này cho biết, Hyosung đã chuẩn bị cho dự án này cách đây 2 năm, mọi công việc được đẩy tiến độ khá nhanh và gần như thực hiện song song nhiều hạng mục để kịp thời gian.

Tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn Hyosung cho dự án này lên đến 660 triệu USD (tương đương 14 ngàn tỷ đồng), cho thấy đây là một dự án được tính toán kỹ lưỡng. Ông Song Kee Chul, Giám đốc Hyosung Đồng Nai, cho hay nhà máy của công ty giai đoạn 1 sẽ tập trung cho sản xuất loại sợi kỹ thuật cao, đặc biệt là sợi spandex cùng các loại vải mành, sợi thép dùng cho sản xuất lốp xe ô tô. Nhà máy giai đoạn 1 của Hyosung Đồng Nai dự kiến hoạt động vào cuối năm nay. Cũng theo lãnh đạo của công ty này, hiện tại song song với việc xây dựng nhà máy thì các công tác khác như đào tạo nhân lực cũng đang được thực hiện, đặc biệt là khối kỹ thuật đã được đưa sang Hàn Quốc và một số nhà máy của Tập đoàn Hyosung ở các nước để đào tạo. Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ sử dụng 1 ngàn lao động. Theo kế hoạch, các năm tiếp theo Hyosung Đồng Nai sẽ sản xuất những sản phẩm khác, như: động cơ điện và các bộ phận dùng để sản xuất động cơ điện như stator; máy biến thế điện; sản xuất halogen, oxit halogenua của phi kim loại và nguyên phụ liệu dùng để sản xuất sợi spandex.

Không chỉ Hyosung Đồng Nai đang cấp tốc xây dựng nhà máy để đưa vào sản xuất theo đúng tiến độ, mà người “anh em” là Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (đã đầu tư tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 từ năm 2007) cũng đã liên tiếp tăng vốn mở rộng sản xuất. Các nhà máy của Hyosung Việt Nam cũng sản xuất loại sợi ny-lông, polyester, đặc biệt là sợi spandex cùng các loại vải mành, sợi thép dùng cho sản xuất lốp xe ô tô. Hơn 90% sản phẩm của công ty xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Đáng chú ý, trong 2 năm qua DN này đã liên tục tăng vốn đầu tư và tích cực giải ngân vốn để triển khai dự án. Tính đến nay, Hyosung Việt Nam có tổng vốn đăng ký hơn 995 triệu USD và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Đồng Nai.

Chủ động đầu tư

Một lãnh đạo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Các nhà đầu tư ngoại nắm bắt và đón đầu cơ hội rất nhanh. Khi thấy Việt Nam đàm phán tích cực TPP, ngay lập tức các tập đoàn lớn thuộc các ngành sản xuất xuất khẩu, như: sản xuất sợi, dệt may, giày da, chế biến gỗ ở nhiều địa phương đã xin tăng vốn mở rộng sản xuất”.

Điều này cũng thấy khá rõ ở Đồng Nai. Đơn cử gần đây các công ty lớn, như: Công ty dệt Texhong Nhơn Trạch (Hong Kong) đã quyết định tăng quy mô sản xuất kéo sợi từ 11 ngàn tấn sản phẩm/năm lên 35 ngàn tấn sản phẩm/năm; Tập đoàn Kenda cũng đã xin mở rộng nhà máy sản xuất với quy mô lớn. Nhà máy mới này dự kiến được đầu tư trên diện tích khoảng 30 hécta với số vốn trên dưới 300 triệu USD và sử dụng khoảng 4 ngàn lao động.

Theo ông Dương Ngân Minh, Chủ tịch Tập đoàn Kenda thì đầu tư tại Việt Nam có một số lợi thế, như: đã hoạt động hơn 20 năm tại Đồng Nai (Kenda Việt Nam tại Khu công nghiệp Hố Nai), nguồn nguyên liệu chính là cao su và vải bố không phải nhập khẩu. Theo phân tích của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, một điểm chiến lược nữa để Kenda quyết định chọn Việt Nam để đầu tư bởi thị trường xuất khẩu vỏ xe mạnh của Kenda là Mỹ, trước mắt 2 nhà máy của Kenda ở Trung Quốc đang bị bất lợi do Mỹ đánh thuế chống bán phá giá, nhưng về lâu dài họ thấy điểm lợi là Việt Nam sẽ gia nhập TPP.
 

Theo Báo Đồng Nai
.