Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có tư duy về đổi mới máy móc, công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, điều kiện về vốn vẫn là rào cản lớn nhất, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 


Lãnh đạo của Bộ Khoa học - công nghệ phải lên tiếng đánh động vấn đề này trước thềm hàng loạt các hội nhập sắp tới, như: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA Việt Nam - EU).

Cái khó bó cái khôn

Ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến gỗ Hoàng Nhật Phát (huyện Long Thành), chia sẻ mấy năm nay DN luôn bị “hụt hơi” vì thiếu lao động. Nguồn lao động không còn dồi dào như trước khiến ông luôn suy nghĩ đến việc phải đầu tư máy móc mới theo dây chuyền tự động để giảm bớt nguồn lao động. Đa số máy móc của công ty ông hiện nay là máy cũ nên tốn nhân công và năng suất lao động không cao. Biết là phải thay đổi máy móc, công nghệ nhưng ông vẫn loay hoay không thực hiện được bởi nhu cầu vốn quá lớn. Theo ông Phát, để nhập một dây chuyền có tính tự động cao để thay thế, DN phải bỏ ra số tiền từ 15-20 tỷ đồng, một khoản đầu tư như vậy không dễ với một DN nhỏ. Ông Phát nói: “Mỗi lần tổ chức hội chợ triển lãm về máy móc, công nghệ tôi đều đi tham quan, nhìn lại thấy máy móc của công ty mình lạc hậu thật nhưng biết làm sao khi vốn mình có ít”.

Trong lĩnh vực sản xuất bao bì, ông Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Châu Viên (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho biết năm 2013 ông đã bỏ ra số vốn hơn 10 tỷ đồng để thay một dây chuyền sản xuất, nhưng với khoản tiền đó ông cũng chỉ nhập được dây chuyền và công nghệ đã qua sử dụng của Hàn Quốc, bởi  dây chuyền sản xuất mới giá đắt gấp đôi, còn dây chuyền của Nhật hoặc Ý có giá gần gấp 3 lần. Đầu tư như vậy là quá sức với DN.

Lạc hậu 30 năm

Theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến hơn 80% máy móc sử dụng trong các DN vừa và nhỏ được sản xuất cách đây 30 năm. Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân khẳng định tại hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông khoa học - công nghệ đối với phóng viên, biên tập viên báo chí khu vực phía Nam” vào ngày 25-8-2015. Ông Quân cho rằng, việc sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu như hiện nay của các DN nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia hàng loạt hội nhập sắp tới. Bộ trưởng cũng tỏ ra nóng ruột: “Hội nhập sắp tới là rất gay gắt, không phải như ra nhập WTO trước đây. Nếu không rút ngắn được khoảng cách về công nghệ sẽ rất khó nói đến cạnh tranh”.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn, cho rằng hiện nay các DN vừa và nhỏ trong nước rất khó khăn trong việc đầu tư do nguồn vốn ít, và càng bất lợi hơn khi so sánh với các nước. Ông Vị lấy ví dụ, tại Thái Lan, DN vay vốn để đầu tư sản xuất lãi suất chỉ có 5%/năm, trong khi DN trong nước phải chịu lãi suất gấp đôi. Ông Vị cũng kiến nghị, để tạo điều kiện cho các DN mạnh dạn đổi mới công nghệ, rất cần Nhà nước có những chính sách ưu đãi về lãi suất, phương án tiếp cận vốn riêng cho khối DN này. Chỉ có như vậy, tính khả thi về đổi mới máy móc, công nghệ mới cao.

 

Theo Báo Đồng Nai

.