Nước Nhật có nhiều doanh nghiệp là tấm gương sáng về hoạch định chiến lược để đạt mục tiêu của tổ chức, một số ví dụ điển hình là Toyota, senven eleven, Kyocera…Theo ông Kyohei (Kay) Hosono, Giám đốc quản lý khu vực châu Á, Tổng Giám đốc Dream Incubator Việt Nam: “Năng suất lao động được cải thiện không chỉ ở đội ngũ quản lý mà còn từ đội ngũ nhân viên. Theo đó, người quản lý cần đề ra hệ thống để nhân viên tham gia vào nhằm tăng năng suất lao động.”.
Tiền thân của Toyota là một công ty may mặc, hãng này chính thức bước vào sản xuất xe hơi vào năm 1940. Ở những thời kỳ đầu này, Toyota đã hết sức nỗ lực nhằm giảm chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất. Chính hệ thống quản lý “Just in time” đã giúp công ty này thực hiện mục tiêu trên. Đây là hệ thống làm giảm dự trữ trong kho, chuẩn bị nguyên liệu đầu vào đúng lúc, giảm thời gian lưu kho sản phẩm, dụng cụ sản xuất. Hệ thống áp dụng cho tất cả các nhà cung cấp, kể cả những nhà cung cấp phụ tùng chi tiết nhỏ bé cấu thành chiếc ô tô. Toyota phải mất gần 50 năm để hoàn thiện hệ thống quản lý “just in time”, Trong quá trình đó, mọi ý kiến của nhân viên đều được cấp trên tiếp nhận nhằm cải tiến quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc.
Người Việt cần thay đổi tư duy lao động
Theo khảo sát của ILO tại các doanh nghiệp trong ASEAN, có đến khoảng 92% doanh nghiệp cho rằng để nâng cao năng suất lao động thì cần đào tạo và cải thiện năng lực của đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên nâng cao năng lực quản lý và lãnh đạo cho đội ngũ quản lý mới thật sự là giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất.
Công ty quản lý nguồn nhân lực Le & Asociate nêu ra những điểm hạn chế trong chiến lược quản lý nhân lực của các công ty nội địa là chưa thực hiện tốt việc kết nối chiến lược nhân lực và tương tác sâu hơn với chiến lược doanh nghiệp. Sự kết hợp đó sẽ giúp doanh nghiệp bắt kịp những thay đổi thị trường, cơ cấu lại tố chức, tập trung vào kỹ năng cốt lõi, tối ưu hóa và phát triển nhân tài cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm thực thi được các chỉ tiêu chiến lược của doanh nghiệp.
Le & Asociate cho rằng thách thức cụ thể tại thị trường Việt Nam là rất khó để tìm được những ứng viên tốt cho vị trí Đối tác nhân sự (Human Resource Business Partner) vì trào lưu này còn mới và ở trường chưa đào tạo; nhiều quản trị viên trong lĩnh vực nhân sự e dè khi phải tự xông pha ra phía trước và gây ảnh hưởng lên lãnh đạo các chức năng khác do quan điểm cũ nhân sự nên ngồi ở hàng sau. Người giám đốc nhân lực cần phải chủ động hơn và tăng thêm hàm lượng hoạch định chiến lược trong công việc của mình.
Nhận xét về năng lực lao động của người Việt, ông Kyohei (Kay) Hosono thẳng thắn chia sẻ: “Lao động người Việt Nam rất có tiềm năng, thông minh, có kỹ năng nghề đặc biệt là những nghề mang tính thủ công. Tuy nhiên, kỹ năng này cần phải phát triển hơn nữa để nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt cần phải thay đổi tư duy của người lao động Việt Nam để họ gắn liền trách nhiệm bản thân với sự phát triển của doanh nghiệp”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Huy Nam, chuyên viên kinh tế Tài chính Chứng khoán- đại diện Nienstedt GmbH (Đức) tại Việt Nam - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì cho rằng: “Tư tưởng của nhiều người lao động Việt Nam là làm tới tháng lãnh lương, họ cần phải thay đổi tư tưởng làm chủ thay vì là đi làm thuê. Làm chủ ở đây là làm chủ thu nhập của mình, tự chính bản thân trả lương cho mình từ hiệu quả công việc mang lại. Đối với chủ doanh nghiệp cần nhập vai làm chủ doanh nghiệp, không phải làm khách. Riêng người lao động cần làm chủ kiến thức, làm chủ công việc, làm chủ tay nghề để tạo nền tảng vững vàng cho bản thân. Đồng thời, doanh nghiệp cần tạo điều kiện để người làm thuê được làm chủ bằng cách chia cổ phần”.
Theo NTD