(BVPL) - Với 2% tỷ giá được điều chỉnh từ đầu năm đến nay cộng với những tác động từ việc tăng giá điện, giá xăng đã ảnh hưởng tới những doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu số lượng lớn. Không những vậy, đây còn là gánh nặng đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ của những doanh nghiệp huy động tiền lớn từ USD. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ thua lỗ.

 


Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Tiến Bình, Tổng giám đốc Công ty Hòa Bình cho biết, hiện tại Công ty ông chủ yếu là dùng nguyên phụ liệu nhập khẩu. Từ đầu  năm đến nay, tỷ giá được điều chỉnh 2 lần khiến số chi phí đầu vào tăng thêm. Cũng theo ông Bình thì kế hoạch của Công ty sẽ cần khoảng 14 triệu USD để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu nhưng với tình hình hiện nay thì số chi phí tăng thêm từ biến động tỷ giá rơi vào khoảng 300.000 USD (gần 6,3 tỷ đồng). Nếu như từ giờ đến cuối năm mà tỷ giá lại được điều chỉnh tăng nữa thì công ty sẽ đứng trước nguy cơ thua lỗ. Đó là còn chưa kể mới đây doanh nghiệp này cũng vừa hứng chịu hai đợt tăng giá của điện và xăng dầu. Điều này khiến chi phí đầu vào của sản phẩm tăng cao làm mất tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa.

Với tình hình này, giải pháp cứu cánh hiện tại là tiết giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp lại thiệt hại do tỷ giá dùng để nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng.

Gánh nặng cho DN huy động tiền từ USD

Thời điểm này, nhu cầu ngoại tệ tăng cao do nhập hàng sản xuất cuối năm. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm doanh nghiệp mua USD trả nợ vay khi tới hạn… Điều này khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có khoản vay ngoại tệ bị ảnh hưởng đáng kể.

Đơn cử như đối với Hoàng Anh Gia Lai (HAG), tính đến thời điểm 31/12/2014, nợ phải trả của doanh nghiệp ở con số 20.978 tỷ đồng. Theo VPBS, dư nợ các khoản vay bằng USD của doanh nghiệp này chiếm khoảng 26%. Trong cơ cấu các khoản vay bằng USD, tất cả các khoản vay dài hạn đều vay từ ngân hàng thương mại.

Tại thời điểm trên, HAG không có khoản dư nợ trái phiếu bằng USD nào. Tuy nhiên, đến 30/6 năm nay, Công ty sẽ đáo hạn khoản trái phiếu chuyển đổi trị giá 1.130 tỷ đồng cho Northbrooks Investment Maritius Pte Ltd (NIMP) từ ngày 15/7/2011. Việc thay đổi tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán khoản nợ này do lãi suất thanh toán hàng năm được tính theo công thức 5% x (1+ thay đổi tỷ giá hối đoái).

Một “ông lớn” nhà nước đang có khoản vay bằng USD khá lớn đó là Petrolimex. Cụ thể, tính đến 31/12/2014, báo cáo tài chính của Petrolimex hạch toán hơn 3.234 tỷ đồng nợ dài hạn từ các ngân hàng. Hầu hết các khoản vay lớn đều vay bằng USD.

Trong đó, khoản vay tại Công ty TNHH Kho Xăng dầu Ngoại quan Vân Phong từ tháng 6/2009 có giá trị 87,5 triệu USD với 4 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (9,5 triệu USD), VietinBank (32,7 triệu USD), Sacombank (28,2 triệu USD) và MB (16,9 triệu USD). Dư nợ khoản vay này tại thời điểm cuối 2014 là 1.620 tỷ đồng.

Công ty CP Vận tải Xăng dầu VITACO còn dư nợ gần 25,5 triệu USD, dư nợ của Công ty CP Vận tải Xăng dầu VIPCO còn 23 triệu USD, dư nợ của công ty mẹ còn 14,3 triệu USD, của Công ty CP Vận tải Hóa dầu VP là 16 triệu USD và dư nợ 3,73 triệu USD tại Công ty CP Vận tải Xăng dầu đường thủy Petrolimex.

Với khoảng 160 triệu USD vay nợ này, dự kiến Petrolimex sẽ phải ghi lỗ chênh lệch khoảng 68 tỷ đồng.

Để hạn chế tối đa những thiệt hại do tỷ giá gây ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị ứng phó trước như: lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá; định kỳ đánh giá lại tài sản và nguồn vốn theo giá thị trường, hạn chế việc vay bằng ngoại tệ… Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nên có một lộ trình về việc tăng tỷ giá và điều chỉnh mức tăng hợp lý tránh gây bất ngờ cho doanh nghiệp.
 

Hữu Bắc

.